Chất độc xyanua nguy hiểm như thế nào?

Xyanua là chất cực độc có thể gây ngộ độc qua da, ăn uống hoặc hít phải khí độc. Nạn nhân có thể tử vong sau 3-5 phút nhiễm độc.

Cyanide (hay còn gọi là xyanua) là 1 hợp chất hóa học có chứa nhóm cyano (C≡N), bao gồm một nguyên tử cacbon C liên kết ba với một nguyên tử nito N, có thể hiện diện dưới dạng chất lỏng (axit xyanhydric) hoặc chất khí (xyanogen clorua) hoặc chất rắn (muối natri xyanua hoặc kali xyanua).

Ở dạng khí và chất lỏng, các hợp chất xyanua không có màu, đôi khi được mô tả là có mùi hạnh nhân đắng. Tuy nhiên, rất ít người có thể nhận biết ra mùi này của xyanua.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, xyanua là chất kịch độc thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp như sơn, dệt nhuộm, luyện kim, khai thác vàng, sản xuất thuốc trừ sâu…

Đặc biệt, xyanua cũng có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm tự nhiên thường gặp như măng tươi, khoai mì, cao lương (hạt bo bo), các loại quả hạch (mơ, táo, đào…) và hạt hạnh nhân… hay các thực vật bị nhiễm nấm.

Ngay sau khi tiếp xúc với xyanua, nạn nhân sẽ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng như lo lắng, kích động, mệt mỏi, khó thở, thở gấp, đau đầu, buồn nôn, tụt huyết áp, mất phản xạ...

Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Các trường hợp ngộ độc nặng nếu sống sót có thể để lại các di chứng như yếu liệt, rối loạn vận động giống hội chứng giống Parkinson.

Trần Trung (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chat-doc-xyanua-nguy-hiem-nhu-the-nao/340021.html