Bệnh nhi tay chân miệng dồn dập nhập viện ở TP.HCM
Tuần qua, TP.HCM vừa ghi nhận thêm hơn 1.600 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần 2,5 lần so với trung bình tháng trước.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, để đáp ứng điều trị cho các ca bệnh tay chân miệng nhập viện nội trú, y bác sĩ phải tăng ca và huy động thêm người làm. Các bác sĩ đánh giá, tay chân miệng đang tiến sát đỉnh dịch và bệnh viện cũng đã chuẩn bị các phương án dự phòng để tránh quá tải.
Bác sĩ căng mình vì nhiều ca nặng
Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, 9h sáng, các bác sĩ liên tục khám bệnh, khai thác bệnh sử với bệnh nhi mới nhập viện, kiểm tra bệnh cũ và làm hồ sơ giấy tờ nhập viện, xuất viện cho trẻ khỏi bệnh. Nhiều phụ huynh lo lắng vì con sốt cả đêm, trẻ bị sốt mệt mỏi quấy khóc.
Ngày 15/7, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho hơn 140 ca, trong đó, có 8 ca nặng cần theo dõi sát. Bên trong phòng bệnh, nhiều trẻ nhỏ cũng quấy khóc vì mệt. Tại phòng cấp cứu của khoa, một trường hợp trở nặng, các điều dưỡng nhanh chóng gọi bác sĩ Trưởng khoa Dư Tấn Quy sang hội chẩn.
Còn ở Khoa Hồi sức tích cực, mỗi ngày số ca nặng tăng liên tục. Trong ngày 14/7, tại khoa có 11 ca nặng, trong đó có 8 ca thở máy, thì sau đó 1 ngày, tăng lên 14 bé bị nặng, trong đó 11 ca phải thở máy, cao nhất kể từ đầu năm nay.
Theo BS.CK II Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, hiện các y bác sĩ phải tăng ca mới đáp ứng lượng bệnh đang có. Trước đây, mỗi đêm trực chỉ có 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng, nhưng hiện nay phải tăng lên 4 bác sĩ và 6 điều dưỡng. Chưa kể, khoa còn có 16 bác sĩ tăng cường (là những bác sĩ thực hành ở các khoa khác nhưng ưu tiên dồn về tại khoa) cũng làm việc ngày đêm.
Cũng theo bác sĩ Quy, kinh nghiệm từ nhiều mùa dịch, nhất là dịch bệnh tay chân miệng vào năm 2011, 2018 và 2019, bệnh viện sẵn sàng các phương án theo từng mức độ.
Hiện, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mở rộng thêm một tầng lầu (tầng 5) để Khoa Nhiễm - Thần kinh nhận thêm trẻ mắc bệnh. Công suất tối đa có thể lên đến 300 giường, chưa kể khu vực các khoa hồi sức. Tạm thời tầng mới sẽ tiếp nhận trẻ tay chân miệng điều trị dịch vụ.
Đừng vội chuyển bệnh lên TP.HCM
Bác sĩ Quy lưu ý, điều quan trọng nhất là kịp thời phát hiện dấu hiệu biến chứng của trẻ khi mắc tay chân miệng. Trẻ có thể đột ngột chuyển nặng, suy hô hấp, nguy kịch chỉ trong vài giờ. Do đó, khi nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng, phụ huynh nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để xác định bệnh, theo dõi sát tình hình.
Các dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay để cấp cứu kịp thời là: sốt cao khó hạ, sốt trên 39 độ, sốt hơn hai ngày; trẻ giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, yếu chi; nôn ói nhiều; lừ đừ, lơ mơ; thở nhanh, thở bất thường; tay chân lạnh, vã mồ hôi, da nổi bông tím. Trẻ nhỏ thường quấy khóc, giật mình, không thể rời xa mẹ…
Mặc dù không được chủ quan, nhưng các bậc phụ huynh cũng không nên lo lắng quá mức, không vượt đường xa từ tỉnh lên TP.HCM khám bệnh làm ảnh hưởng trẻ. Trẻ nên khám và điều trị ở cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc tốt nhất.
BS.CK II Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh nhấn mạnh, khi đổ xô đến TP.HCM gây quá tải tuyến trên mà có thể khiến trẻ chuyển nặng trên đường di chuyển: "Chúng ta phải nhìn vào tình hình của đứa trẻ để chăm sóc và điều trị. Hiện các bệnh viện tuyến tỉnh, thuốc điều trị tay chân miệng đã được cung cấp đầy đủ, kinh nghiệm y bác sĩ cũng đã được đào tạo xử trí. Chứ đừng đón chuyến xe dài lên TP.HCM để đi dọc đường rất nguy hiểm cho trẻ. Có thể quá trình di chuyển trên đường, trẻ sốt cao co giật không biết hạ sốt, sữa cũng không đảm bảo cho trẻ. Lên đến đây trẻ nặng luôn và hạ đường huyết".
Hiện nay, Bộ Y tế đã đưa hồ sơ xin cấp phép giấy đăng ký lưu hành vaccine phòng tay chân miệng vào ưu tiên thẩm định, xét duyệt, đảm bảo vaccine đến tay người dùng một cách an toàn nhất. Vaccine sẽ tạo miễn dịch chủ động cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 2 tháng đến 6 tuổi để phòng bệnh tay chân miệng do nhiễm EV71, bao gồm 2 mũi tiêm.
Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/benh-nhi-tay-chan-mieng-don-dap-nhap-vien-o-tphcm-post1032997.vov