Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có tỷ lệ tử vong hàng thứ 4 trên thế giới

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những căn bệnh không lây nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới.

Hầu hết các dự báo đều cho thấy, trong tương lai không xa, tỷ lệ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiếp tục gia tăng và sẽ đứng hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân tử vong.

Theo ThS.BS Phan Thanh Thủy - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai: Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thông thường là bệnh nhân nam giới có độ tuổi trên 40 và có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào.

Bên cạnh đó, cũng có một số ít những bệnh nhân là nữ giới và không chỉ những bệnh nhân hút thuốc chủ động mà cả những trường hợp hút thuốc thụ động tức là hít khói thuốc từ những người khác, từ đồng nghiệp trong cơ quan hay người thân trong gia đình là những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ngoài ra, những yếu tố khác như ô nhiễm môi trường, khói bụi nghề nghiệp, hít phải khói từ bếp rơm, rạ cũng là yếu tố nguy cơ khởi phát và làm tiến triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Dấu hiệu nhận biết và những biến chứng nguy hiểm

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý từ đường hô hấp, tiến triển dai dẳng và kéo dài. Nó sẽ gây ra bệnh lý ở đường hô hấp và bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở, thậm chí có những trường hợp khi bệnh nhân khó thở nếu không được xịt những loại thuốc cắt cơn và không có các thuốc điều trị dự phòng kịp thời thì cơn khó thở của bệnh nhân sẽ dẫn đến suy hô hấp gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí là tử vong.

Ngoài ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn gây ra những biến chứng tại phổi như tràn khí màng phổi hay các biến chứng về tim mạch như bệnh nhân suy tim và lâu dần từ suy tim phải, sẽ dẫn đến suy tim toàn bộ.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường có dấu hiệu rất dễ nhận biết như ho, khạc đờm lâu ngày. Ban đầu có thể bệnh nhân chỉ có thể ho ngắt quãng nhưng về sau triệu chứng ho của bệnh nhân sẽ tăng lên ho khan, khạc đờm và ho kéo dài, bệnh nhân ho thường là 3 tháng trên 1 năm và trong 2 năm liên tiếp. Và trong những dấu hiệu nhận biết nữa là triệu chứng khó thở.

Nhân viên y tế thăm khám cho bệnh nhân hô hấp.

Nhân viên y tế thăm khám cho bệnh nhân hô hấp.

Đáng chú ý, khó thở ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có đặc điểm là bệnh nhân sẽ khó thở dần theo thời gian, lúc đầu bệnh nhân chỉ khó thở khi gắng sức (như đi bộ nhanh hoặc leo thang gác) nhưng sau dần những triệu chứng khó thở sẽ nặng dần lên, bệnh nhân sẽ thấy khó thở thậm chí cả khi nghỉ ngơi, rồi đến giai đoạn bệnh nhân không làm gì cũng thấy khó thở.

Một triệu chứng nữa mà bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gặp phải là bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm trùng về phổi tái đi tái lại nhiều lần.

Những sai lầm thường gặp khi mắc bệnh

Theo BS. Thủy, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trong đó có các biện pháp điều trị không dùng thuốc ví dụ bệnh nhân phải bỏ thuốc lá, thuốc lào. Và có các biện pháp để dự phòng các cơn cấp như là bệnh nhân có thể tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm, tiêm phòng vắc xin phòng phế cầu nhắc lại sau 5 năm.

Thêm các biện pháp về phục hồi chức năng hô hấp là hướng dẫn bệnh nhân tập thở cơ hoành, tập thở chúm môi hay hướng dẫn bệnh nhân tập các bài ho có kiểm soát.

Các phương pháp dùng thuốc bao gồm các biện pháp dùng thuốc giãn phế quản, thuốc giãn phế quản đường hít, đường xịt, uống và khí dung. Và một trong những biện pháp nữa đối với bệnh nhân mà có các triệu chứng suy hô hấp về mạn tính rồi, thì bệnh nhân có thể phải thở oxy, thậm chí bệnh nhân phải thở máy tại nhà và một trong các phương pháp mới hiện nay là điều trị phương pháp ghép tế bào gốc đang được triển khai và bước đầu cho thấy các kết quả rất khả quan.

Tuy nhiên, người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay gặp các sai lầm khiến việc điều trị khó khăn và bệnh dễ trở nặng hơn. Thứ nhất là bệnh nhân chưa hiểu được bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh mạn tính sẽ kéo dài và dai dẳng, bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc thường xuyên và phải đi khám lại hàng tháng. Chính vì vậy một số bệnh nhân khi đã được điều trị thuốc và đã thấy đỡ khó thở rồi thì lại dừng thuốc và không đi khám nữa, như vậy sẽ tạo điều kiện hình thành nên những đợt cấp rất nặng.

Sai lầm thứ hai hay mắc phải là sai lầm về kỹ thuật sử dụng những dụng cụ phun hít của bệnh nhân, các bác có thể không biết cách sử dụng hoặc sử dụng sai kỹ thuật, dẫn đến việc phân phối thuốc vào phổi chưa được tốt. Chính vì vậy bệnh nhân phải đi khám định kỳ hàng tháng, và mỗi lần khám các bác sĩ ở trung tâm đều sẽ phải kiểm tra lại kỹ thuật sử dụng dụng cụ phun hít của bệnh nhân để đảm bảo bệnh nhân sử dụng đúng liều lượng, đúng cách để đạt được kết quả tốt nhất.

Để phòng tránh căn bệnh này, BS. Thủy khuyến cáo, việc hút thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nên chúng ta tuyệt đối không được hút thuốc.
Phải giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, giữ ấm cố họng vào mùa lạnh để phòng tránh những đợt cấp, đợt bội nhiễm có thể tăng nặng.
Và với tình hình ô nhiễm không khí như hiện nay, khi ra đường chúng ta phải có biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang để tránh hít phải những khói bụi độc hại...

Thành Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-co-ty-le-tu-vong-hang-thu-4-tren-the-gioi-n184286.html