Bệnh phong không còn trong 'tứ chứng nan y'
Loại trừ bệnh phong không đồng nghĩa là công tác phòng, chống phong đã hoàn thành và chấm dứt; mà chỉ là giảm tỷ lệ mắc bệnh phong mới. Hiện nay, công tác phòng, chống bệnh phong sang giai đoạn 'không còn đất' cho trực khuẩn gây bệnh phong.
Loại trừ quy mô cấp huyện
Với phát triển của y học, bệnh nhân phong có thể được điều trị khỏi hoàn toàn sau 12 tháng cho thể nhiều khuẩn, 6 tháng cho thể ít khuẩn. Bệnh nhân được điều trị tại nhà, không để lại di chứng nào với điều kiện được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời; người bệnh tuân thủ theo sự điều trị của bác sĩ. Nhờ sự phát triển y học kết hợp nhiều giải pháp khác, số ca mắc bệnh phong mới giảm theo thời gian. Đó là lời chia sẻ của bác sĩ Huỳnh Thị Bích Vân - Trưởng Trạm Y tế thị trấn Lương Sơn (Bắc Bình).
Tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác phòng, chống bệnh phong của huyện Bắc Bình.
Cụ thể, nếu năm 1985, công tác phòng chống bệnh phong được triển khai và khám phát hiện và điều trị 285 người tại Lương Sơn, thì kể từ năm 2017 đến nay, thị trấn này không ghi nhận thêm bất cứ ca bệnh phong mới. Hiện nay, Trạm Y tế thị trấn chỉ quản lý, chăm sóc cho 12 bệnh nhân có di chứng tàn tật. Từ kết quả trên cho thấy, công tác phòng, chống của thị trấn Lương Sơn góp phần cùng huyện khống chế số mắc bệnh phong mới. Nhớ lại thời điểm năm đầu 1980, Lương Sơn là một điểm “nóng” về bệnh phong ở Bắc Bình, với số mắc khá cao cùng di chứng tàn tật nặng. Khi đề cập đến nơi đây, không ít người nghĩ ngay đó là “làng cùi”, được xem căn bệnh nằm trong “tứ chứng nan y”.
Trước tình hình trên, năm 1985, công tác phòng, chống bệnh phong bắt đầu triển khai không những cho thị trấn này mà cho cả toàn huyện. Bằng sự nỗ lực của lực lượng y tế từ xã đến tỉnh và địa phương với nhiều cách làm như khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh nhân mắc phong nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân; tuyên truyền người dân nâng cao kiến thức về bệnh phong; giảm sự phân biệt kỳ thị với bệnh nhân phong trong cộng đồng… Sau hơn 30 năm hoạt động phòng, chống bệnh phong, Bắc Bình được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện vào năm 2022, với đánh giá số điểm 290/290 điểm, xếp loại xuất sắc.
Hướng tới thanh toán bệnh phong
Sau khi Bình Thuận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh năm 2015, đến nay, 10/10 huyện, thị, thành phố trong tỉnh được công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Theo bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế, loại trừ bệnh phong không đồng nghĩa là công tác phòng, chống bệnh phong đã hoàn thành và chấm dứt; mà chỉ là giảm tỷ lệ mắc bệnh phong mới theo tiêu chí của Bộ Y tế. Toàn huyện này đang quản lý 52 bệnh nhân phong. Không chỉ điều trị bệnh, 100% bệnh nhân phong có tàn tật được ngành y tế quan tâm chăm sóc suốt đời. Sang giai đoạn sau loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện, ngành y tế tỉnh hướng tới không còn bệnh phong trong cộng đồng, nghĩa là thanh toán bệnh phong - “không còn đất” cho trực khuẩn gây bệnh phong, không còn số mắc bệnh phong mới.
Để tiếp tục duy trì công tác phòng, chống bệnh phong và đạt mục tiêu như đề cập trong thời gian tới, Sở Y tế Bình Thuận đề nghị UBND huyện Bắc Bình tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống bệnh phong; hỗ trợ giúp bệnh nhân phong trong đời sống để tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho bệnh nhân phong có di chứng tàn tật. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế Bắc Bình đẩy mạnh công tác lồng ghép chuyên khoa vào mạng lưới y tế đa khoa để nâng cao chất lượng khám, phát hiện bệnh mới; truyền thông sức khỏe, hướng dẫn người bệnh chăm sóc tàn tật, phục hồi chức năng…
Đồng thời, Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Da liễu Bình Thuận tiếp tục hỗ trợ chuyên môn, đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ chuyên trách của Trung tâm Y tế Bắc Bình.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/benh-phong-khong-con-trong-tu-chung-nan-y-103823.html