Bệnh rối loạn tâm thần tấn công người trẻ
Lập nhóm tự hành xác, cắt tay đến rướm máu để giải tỏa nỗi buồn, bỗng dưng trút giận lên người khác… là những biểu hiện của rối loạn tâm thần, trầm cảm mà nhiều người trẻ mắc phải nhưng bản thân không biết mình mắc bệnh.
“Bác sĩ cho con được khóc”!
Một ngày giữa tháng 12/2020, cậu học sinh lớp 10, tên A. (ngụ tại TPHCM) được cha mẹ đưa đến gặp BS CK2 Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thần kinh và Trị liệu tâm lý Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM. Theo lời người nhà, không hiểu vì sao A trở nên lầm lì, không nói chuyện, đêm thức rất khuya…
Quan sát A., cậu chỉ cúi đầu, tay vân vê tà áo với vẻ mặt u uất. Bác sĩ Khuyên ra hiệu với phụ huynh muốn nói chuyện riêng với cậu. Sau vài câu hỏi han, gợi mở, bỗng A nhìn bác sĩ rồi nghẹn ngào nói: “Bác sĩ ơi, xin bác sĩ cho con được khóc…”.
“Lúc này A mới kể do áp lực học tập, cha mẹ muốn cậu phải thực hiện những ước mơ mà họ chưa làm được. Vì vậy, điểm số 7, 8 vẫn bị ba đánh mắng, sỉ nhục. Vào lớp, A không chia sẻ được với bạn bè, ngược lại còn bị công kích nên càng bức bí. Đỉnh điểm, có lần A. còn xách dao rượt bạn học mà bản thân không hề hay biết… Sau này, cô giáo phát hiện, báo với phụ huynh và đưa đến gặp bác sĩ” - BS Khuyên cho biết.
Nữ sinh lớp 11 Lê Mỹ H (17 tuổi) ngoan hiền, học giỏi bỗng “giở chứng” khi tham gia hội nhóm thử thách bản thân trên mạng. Vén áo đưa cánh tay với đủ các sẹo lớn nhỏ, H. nói mình tự rạch tay rồi chụp hình khoe trên mạng.
Theo lời H, do quá bế tắc, chán nản, em tự rạch tay, làm mình bị thương khiến mình cảm thấy thoải mái hơn. “Đi học em thường xuyên bị các bạn trêu chọc. Về nhà lại chứng kiến cảnh bố mẹ mâu thuẫn, nhiều lần xô xát. Tình cờ em quen một nhóm trên mạng và tuy chưa gặp nhau ngoài đời nhưng đã cùng hẹn trải nghiệm cắt tay và đăng hình lên Facebook”, H kể.
Không chỉ tự hành xác, nhiều bạn trẻ còn nuôi ý định tự tử. Vốn là du học sinh ở Singapore, Lưu Thị T kể, trong đầu cô thường xuyên có tiếng thúc giục “chết đi, mình vô dụng lắm, mình làm xấu mặt cha mẹ, là gánh nặng của gia đình. Đi
chết đi…”.
Từ ngày về Việt Nam, T. tự giam mình trong phòng. Cha mẹ khuyên ép mãi mới ra ăn chung bữa sáng. Rồi một ngày nọ, gọi mãi không thấy con ra ăn, linh tính mách bảo, cha mẹ vội đến phòng, phá ổ khóa, phát hiện T. tự tử bằng cách đốt than tổ ong…
Mắc bệnh mà không biết
Theo các chuyên gia y tế, gần đây, tỷ lệ người có dấu hiệu stress, trầm cảm ngày càng nhiều; người bệnh có ý định tự sát cũng gia tăng. Trong tuần đầu tiên của tháng 12/2020 Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM tiếp nhận và chữa trị cho ba bệnh nhân trầm cảm nặng, rối loạn tâm thần và có dấu hiệu tự tử.
“Nhiều người bệnh đến khám, điều trị có biểu hiện của việc muốn chết hoặc tự gây thương tích cho bản thân như cắt cổ tay, cào xước cơ thể… Đáng nói, nếu trước đây bệnh nhân thường ở độ tuổi từ trên 20-30 thì nay, độ tuổi này đang được trẻ hóa, người bệnh chỉ 13-15 tuổi đã có dấu hiệu muốn tự tử”, BS Khuyên cho biết.
Theo một số chuyên gia tâm lý, điều đáng sợ nhất là bản thân người bệnh không nhận ra mình mắc bệnh. Người nhà cũng không phát hiện người thân của mình có bệnh. Rối loạn tâm thần ở thanh thiếu niên nguy hiểm ở chỗ dễ khiến người bệnh có các hành vi bột phát. Bệnh ở người trẻ thường có biểu hiện rất mãnh liệt, triệu chứng rõ ràng, gia tăng hành vi xung đột, kích động, thậm chí dẫn đến xu hướng muốn tự tử. Những em tỏ ra rất bất cần, kích động cũng có nguy cơ cao.
BS Khuyên cho rằng, đó là hậu quả của cả một quá trình. Khi gặp chuyện, bị stress, cơ thể thay đổi, nhịp tim, adrenaline (hoóc-môn có tác dụng lên thần kinh giao cảm) tăng. Nếu stress được giải tỏa, mọi thứ sẽ trở về mức bình thường nhưng nếu stress kéo dài, cộng dồn ngày này sang ngày khác thì dần dần nhịp tim, huyết áp sẽ luôn tăng, xuất hiện rối loạn chuyển hóa… Lúc đó, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy hồi hộp, khó chịu, cáu gắt.
“Lâu ngày không được giải tỏa sẽ sinh trầm cảm, rối loạn lo âu và nhiều vấn đề tâm thần khác. Bệnh không được chữa, để lâu nặng dần sẽ sinh ra những hành động vượt ngoài tầm kiểm soát, trong đó có hành vi tự tử hay tự hủy hoại bản thân”, BS Khuyên cho hay.
Đâu là khởi điểm của trầm cảm?
Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều trẻ cố tỏ ra bất cần, chống đối cha mẹ nhưng thật ra các em rất muốn có cha mẹ bên cạnh khi gặp những bất ổn trong cuộc sống. Nếu con bị điểm kém, chỉ một câu “không sao đâu” của cha mẹ cũng sẽ giúp trẻ lên tinh thần rất nhiều. Ngược lại, nếu trẻ bị cha mẹ la mắng thêm, áp lực sẽ trở nên quá nặng. Đừng so sánh trẻ với những trẻ khác bởi sẽ khiến các em bị tổn thương nhiều. Mặc cảm, tự ti có thể là khởi điểm của trầm cảm.