Bệnh sợ trách nhiệm!
Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố có khoảng 27 kg thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân - Hà Nội), dư luận bàng hoàng và bức xúc.
Không bức xúc sao được khi trước đó, UBND quận Thanh Xuân rất thiếu trách nhiệm khi thản nhiên công bố môi trường an toàn với người dân.
Những nguy hại từ vụ cháy đã sớm được cảnh báo khi nhiều phóng viên tác nghiệp tại hiện trường cảm thấy sức khỏe bị ảnh hưởng, lập tức vào viện khám bệnh. Cảnh báo này chỉ UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) lưu ý và đáng khen cho lãnh đạo phường này đã mạnh dạn ra văn bản nhắc nhở người dân về tác hại của vụ cháy. Đáng tiếc, sau đó quận Thanh Xuân đã phủ nhận và ra thông báo mọi chỉ tiêu về môi trường bình thường. Thông báo này đã đặt hàng ngàn người dân ở khu vực này vào vòng nguy hiểm.
Cũng dễ hiểu khi có những kết luận sai lệch trên, đến nay, qua hơn 1 tuần sau vụ cháy, các phương án ứng phó nếu xảy ra sự cố về sức khỏe của người dân vẫn chưa có. Điều này đồng nghĩa với việc môi trường đã bị nhiễm độc, sức khỏe của nhiều người bị ảnh hưởng, nguy cơ nhiễm độc tiếp tục lan rộng. Tệ hơn, người dân sống quanh khu vực này vẫn chưa được đưa đi khám sức khỏe và có phương án dự phòng nếu bị nhiễm độc.
Ra một văn bản thiếu trách nhiệm như trên đối với một số cơ quan có thể rất đơn giản nhưng tác động của nó đến cuộc sống của người dân là quá lớn. Qua câu chuyện này cũng cho thấy thái độ phục vụ của cơ quan chức năng địa phương: sợ trách nhiệm và luôn lo ngại những vấn đề bất cập sẽ ảnh hưởng đến kết quả quản lý địa bàn của mình.
Từ vụ việc này chúng ta cũng thấy lỗ hổng trong công tác ứng phó về sự cố môi trường. Đến nay, những quy định về ứng phó sự cố môi trường tuy đã có nhưng không được cụ thể và phân định vai trò, chức năng rạch ròi. Những sự cố về môi trường luôn xảy ra và gây tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân. Lớn có thể kể đến vụ việc Formosa, ô nhiễm môi trường biển; nhỏ hơn là ô nhiễm sông suối do xả thải công nghiệp, quá tải xử lý rác thải dân sinh; bất ngờ thì như cháy rừng gây ô nhiễm không khí, cháy nhà máy có hóa chất độc hại... Sự cố môi trường thì thiên hình, vạn trạng: sự cố môi trường rủi ro thấp, rủi ro cao và cả mức thảm họa. Tùy mức độ có cách ứng phó cụ thể, cơ quan đảm trách rõ ràng, trách nhiệm xử lý đến đâu... Vấn đề là khi thực tế xảy ra các cơ quan chức năng thực hiện trách nhiệm của mình như thế nào.
Trong vụ cháy trên, nhiều chuyên gia về môi trường thẳng thắn chỉ rõ phản ứng chậm của các cơ quan chức năng. Chỉ rõ yếu kém của từng cơ quan là điều cần thiết để những sự cố tương tự không phải xảy ra, từng cơ quan không thể lảng tránh trách nhiệm để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của người dân.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/benh-so-trach-nhiem-20190905225330782.htm