Bệnh tăng cholesterol máu gia đình di truyền: Nguy cơ tử vong cao do không được điều trị đầy đủ

Bệnh tăng cholesterol máu gia đình di truyền không chỉ là vấn đề quan ngại ở Việt Nam mà còn là bệnh cảnh đáng lưu ý trên toàn cầu.

Bệnh nhân mắc bệnh tăng cholesterol máu gia đình di truyền có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân mắc bệnh tăng cholesterol máu gia đình di truyền có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Căn bệnh “âm thầm”

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) tháng 11/2022, bệnh tăng cholesterol máu gia đình là một rối loạn chuyển hóa cholesterol phổ biến, di truyền. Bệnh lý này thường là rối loạn gen trội nhiễm sắc thể thường do các đột biến di truyền.

Bệnh nhân có thể có kiểu gen đồng hợp tử (HoFH) hoặc dị hợp tử (FH). Kiểu gen này quyết định mức độ nghiêm trọng của bệnh và tuổi bắt đầu biểu hiện bệnh tim mạch. Tỷ lệ mắc FH dị hợp tử là 1/ 200-1/250, trong khi tỷ lệ chứng tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử HoFH là 1/100.000-1/160.000.

Thật không may, chứng tăng cholesterol máu gia đình thường được chẩn đoán quá muộn sau khi xảy ra biến cố lớn ở mạch vành, làm tăng nguy cơ đột tử do mắc bệnh tim. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm căn bệnh này là rất quan trọng. Dấu hiệu có thể bị nghi ngờ bệnh nhân mắc là có nồng độ cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) trong máu tăng cao. Ngoài ra, có những tiêu chí khác giúp chẩn đoán chứng tăng cholesterol máu gia đình.

Một số triệu chứng gợi ý bệnh tăng cholesterol máu gia đình di truyền là ban vàng quanh mí mắt, ở các nếp gấp trong lòng bàn tay, u vàng quanh gân gót, gân khuỷu tay, vùng ụ ngồi, vòng lắng đọng cholesterol quanh giác mạc... thậm chí u vàng thâm nhiễm cả vào xương thái dương. Tuy nhiên đó là biểu hiện ở giai đoạn trễ và xuất hiện ở nhóm nhỏ bệnh nhân.

Nếu trong gia đình có người bị bệnh mạch vành hoặc bệnh lý động mạch sớm (nam

Chỉ khi xác định đúng bệnh, xác lập đúng mục tiêu điều trị, ngưỡng an toàn phù hợp thì bệnh nhân mới giảm thiểu được các biến chứng “oan” về sau, như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...

Chứng tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử

Mới đây, tại Đại hội Hiệp hội Xơ vữa động mạch Châu Âu 2023, một báo cáo nghiên cứu đã cho thấy những khoảng trống lớn bị bỏ ngỏ trong điều trị cho những bệnh nhân mắc chứng tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử (HoFH).

Chứng tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử là một dạng tăng cholesterol máu gia đình hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, xảy ra với tỉ lệ trong cộng đồng dân cư là 1/300.000 người. Nếu không được điều trị, mức cholesterol -LDL có thể dao động từ 400-1.000 mg/dL, ngay cả khi được điều trị thì rất khó kiểm soát được lượng cholesterol LDL. HoFH gây ra bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch (ASCVD) khởi phát rất sớm ở người trẻ, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận rằng những bệnh nhân này có tuổi thọ giảm đáng kể.

Hiện nay, hơn một nửa số bệnh nhân mắc chứng tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử chưa được phát hiện và điều trị đúng mức, thường có nguy cơ tử vong trước 30 tuổi.

Hậu quả nghiêm trọng

Bác sỹ Janneke Mulder, Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan) cho biết, có khoảng 25% bệnh nhân tử vong chỉ mới được điều trị bằng một loại thuốc hạ lipid máu hoặc không điều trị gì cả. Trong khi các bệnh nhân trong nghiên cứu này đều ở các nước Châu Âu, nơi luôn sẵn có các loại thuốc điều trị khác nhau. Theo Bác sỹ Mulder, bệnh nhân có thể trải qua biến chứng tim mạch đầu tiên trước khi họ bước sang tuổi 20.

Chẩn đoán sớm và điều trị hạ thấp mức LDL-C có thể làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch và tử vong ở bệnh nhân.

Chẩn đoán sớm và điều trị hạ thấp mức LDL-C có thể làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch và tử vong ở bệnh nhân.

Bác sĩ Antonio Vallejo-Vaz, Đại học Hoàng gia London (Anh) chỉ ra rằng, 70% bệnh nhân mắc chứng tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử qua đời không phải người da trắng, điều này cho thấy việc điều trị không đầy đủ có thể liên quan đến sự chênh lệch về địa lý hoặc chủng tộc trong việc tiếp cận với một số liệu pháp hạ lipid máu, trong khi hiện nay các loại thuốc điều trị đều có giá đắt.

Chứng tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử là bệnh di truyền hiếm gặp, để thiết lập mạng lưới quốc tế gồm các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chăm sóc cho đối tượng bệnh nhân này, cơ quan Hợp tác lâm sàng quốc tế HoFH (HICC) bắt đầu hoạt động từ năm 2016. Bác sỹ Mulder cho hay, mục tiêu của của HICC là phân tích các đặc điểm gồm các yếu tố rủi ro, việc điều trị hạ lipid máu, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch ASCVD, tuổi chẩn đoán và tử vong của bệnh nhân tử vong trong số các bệnh nhân đã kê khai bệnh tại cơ quan này.

Từ năm 2016-2020, tổng cộng có 751 bệnh nhân từ 88 trung tâm ở 38 quốc gia đã được đưa vào sổ đăng ký HICC với thông tin về điều trị đầy đủ. Độ tuổi trung bình tại thời điểm chẩn đoán mắc chứng tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử là 12 tuổi, có 37 người tử vong có độ tuổi trung bình là 32 tuổi.

Trong số 751 bệnh nhân trên, tỷ lệ bệnh nhân được kê đơn điều trị là các loại thuốc hạ lipid máu gồm: 94% bệnh nhân được dùng statin, 68% dùng ezetimibe và 23% đã trải qua quá trình lọc tách cholesterol -LDL. Chỉ có hai bệnh nhân được điều trị bằng lomitapide, một bệnh nhân dùng mipomersen (Kynamro); và một bệnh nhân dùng chất ức chế PCSK9.

Bản báo cáo tại Đại hội Hiệp hội Xơ vữa động mạch Châu Âu 2023 chi biết, có 43% bệnh nhân tử vong ở các quốc gia có thu nhập cao, tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân điều trị chưa đầy đủ trên toàn cầu thậm chí còn cao hơn con số được thống kê.

Đáng lưu ý, có sự khác biệt rất lớn về độ tuổi tử vong, có một bệnh nhân sống đến 70-85 tuổi. Nếu họ sống lâu hơn, gánh nặng đối với bệnh nhân đó là mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch (ASCVD) tái diễn nhiều lần.

Nhìn chung, 70% bệnh nhân tử vong do các biến chứng nặng của bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch ở độ tuổi trung bình là 28 tuổi. Các can thiệp phổ biến nhất ở bệnh nhân đã tử vong là hẹp động mạch chủ (41%), nhồi máu cơ tim cấp (30%), đau thắt ngực (30%), thay van động mạch chủ (22%), phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (22%) và can thiệp mạch vành qua da (19%).

Bác sỹ Mulder cho hay, chẩn đoán sớm và bắt đầu điều trị hạ lipid máu, đặc biệt là sử dụng liệu pháp phối hợp rất quan trọng cho bệnh nhân mắc chứng tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong cũng như giảm gánh nặng mắc các bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.

Chẩn đoán sớm và điều trị hạ thấp mức LDL-C có thể làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch và tử vong ở bệnh nhân. Do đó, điều cần thiết là tăng cường nhận thức về bệnh tăng cholesterol máu gia đình để giảm gánh nặng của hội chứng mạch vành cấp tính cho người bệnh.

Tỷ lệ di truyền cao

Tại Việt Nam, một báo cáo Bệnh viện Bạch Mai, công bố ngày 1/7/2020 cho biết, từ 1 ca bệnh “chỉ điểm”, nhóm các nhà nghiên cứu của Viện Tim mạch đã sàng lọc 55 người (trong một gia đình) và phát hiện được 28 người mắc bệnh tăng cholesterol máu gia đình di truyền.

Phần lớn bệnh nhân tăng cholesterol máu gia đình không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng.

Phần lớn bệnh nhân tăng cholesterol máu gia đình không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng.

Theo PGS.TS. Trương Thanh Hương thuộc Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tăng cholesterol máu gia đình không chỉ là vấn đề quan ngại ở Việt Nam mà còn là bệnh cảnh đáng lưu ý trên toàn cầu. Báo cáo nghiên cứu của Hội Tim mạch Châu Âu 2019 và Hội Tim Mạch Mỹ 2018 cho hay: Chứng tăng cholesterol máu gia đình là bệnh lý phổ biến trong các rối loạn lipid máu đơn gen (dị hợp tử) với tỷ lệ mắc là 1/200 - 1/250.

Như vậy, ước tính nước ta có gần 500.000 người mắc bệnh chứng tăng cholesterol máu gia đình. Vấn đề đặt ra là người mắc bệnh phần lớn lại không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, chỉ khi có những biến chứng nặng nề, người bệnh mới đi khám và khi phát hiện thì có thể đã là quá muộn.

Cũng theo PGS Hương thì nhiều nghiên cứu đã cho thấy nồng độ cao của LDL-C trong máu tạo thuận lợi cho sự phát triển mảng xơ vữa, gây bệnh mạch vành sớm. Bệnh tăng cholesterol máu gia đình đặc trưng bởi tăng cholesterol toàn phần và LDL-C máu.

Bệnh nhân tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử có cholesterol máu toàn phần trung bình là 8-15 mmol/L. Trong khi đó, bệnh nhân tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp tử HoFH có nồng độ cholesterol toàn phần 12-30 mmol/L. Những người này thường mắc bệnh động mạch vành rất sớm và nếu không được điều trị thì có thể sẽ chết trước 20 tuổi. Các biến chứng bao gồm: bệnh mạch vành, đột quỵ, hẹp van động mạch chủ và bệnh động mạch ngoại vi.

Với tỷ lệ mắc cao và biến chứng nguy hiểm như vậy, nhưng bệnh tăng cholesterol máu gia đình vẫn chưa được nhân dân thật sự biết đến để chủ động đăng ký khám sàng lọc và có kế hoạch điều trị phòng ngừa sớm các biến chứng. Hơn nữa, đây lại là một bệnh lý di truyền trội nên gen đột biến có thể gây bệnh cho các thế hệ liên tiếp, rất cần có các phương pháp ngăn chặn.

Xuất phát từ những ghi nhận như vậy khi thực hành lâm sàng và nghiên cứu tài liệu, nhóm các nhà nghiên cứu của Viện Tim mạch đã chủ động khám sàng lọc cho một số gia đình tại cộng đồng ở Tuyên Quang, Ninh Bình… Kết quả là 128 người được làm xét nghiệm gen thì phát hiện 63 người có đột biến gen gây bệnh tăng cholesterol máu gia đình. Đáng chú ý trong nhóm này có gia đình số 1, qua sàng lọc 55 người thì phát hiện 28 người mắc chứng tăng cholesterol máu gia đình.

Tầm soát gia đình bằng xét nghiệm di truyền được khuyến cáo khi có một thành viên trong gia đình đã chẩn đoán xác định mắc bệnh. Xét nghiệm gen giúp phát hiện bệnh sớm và can thiệp hiệu quả nhằm cải thiện tiên lượng tử vong dành cho các thành viên gia đình có mang đột biến di truyền gây bệnh.

Trung Phan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/benh-tang-cholesterol-mau-gia-dinh-di-truyen-nguy-co-tu-vong-cao-do-khong-duoc-dieu-tri-day-du-228834.html