Bệnh tay chân miệng vào mùa: Nguy cơ lan rộng trong cộng đồng
Bệnh tay chân miệng (TCM) đang vào mùa cao điểm, số ca mắc gia tăng nhanh tại nhiều địa phương, nhất là khu vực phía Nam. Đã ghi nhận một số ca nặng, đặt ra yêu cầu cảnh giác cao trong cộng đồng. Trong thời điểm trẻ nghỉ hè, việc chủ động phòng bệnh tại gia đình trở thành yếu tố then chốt để hạn chế lây lan và ngăn ngừa biến chứng.
Bệnh viện tiếp nhận nhiều ca nặng
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 30.000 ca mắc TCM. Dù chưa có trường hợp tử vong, nhưng số ca bệnh có dấu hiệu tăng nhanh, đặc biệt tại khu vực phía Nam – nơi điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo thuận lợi cho virus lây lan.
Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố thông tin, trong tuần vừa qua, trên địa bàn ghi nhận 102 ca TCM mới tại 50 phường, xã – gần gấp đôi so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã có 3.202 ca mắc, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (1.682 ca). Dù các ca bệnh hiện chủ yếu là tản phát và chưa phát hiện ổ dịch lớn, nhưng xu hướng gia tăng rõ rệt đặt ra yêu cầu cảnh giác cao hơn trong giám sát cộng đồng.

Thăm khám, điều trị trẻ nhập viện do mắc tay chân miệng. Ảnh: BV Sản Nhi Phú Thọ
Trong khi đó, TPHCM – một trong những địa phương ghi nhận số mắc cao nhất, tính đến hết tháng 6, toàn thành phố đã có 11.326 ca TCM. Riêng trong tuần gần nhất, số ca mới là 499. Mặc dù con số này giảm 34,7% so với trung bình 4 tuần trước, nhưng các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan, trong bối cảnh đã ghi nhận những ca bệnh nặng.
Một trường hợp điển hình, bé trai 23 tháng tuổi, ngụ tại Tây Ninh, được chuyển khẩn cấp từ tuyến dưới lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) trong tình trạng TCM độ 3. Trẻ nhập viện với biểu hiện lừ đừ, thở bụng, toan chuyển hóa nặng, men gan tăng. Các bác sĩ đã phải đặt nội khí quản, truyền thuốc điều hòa miễn dịch, sử dụng thuốc vận mạch và an thần. Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi mới qua được giai đoạn nguy kịch.
Ghi nhận tại một số địa phương khác cho thấy, dịch TCM cũng đang có những diễn biến phức tạp. Đơn cử, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 304 ca TCM trong tuần 29 (từ ngày 11 đến 17/7) - tăng hơn 67% so với tuần trước và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Theo đánh giá của CDC Đồng Nai, do đang vào mùa mưa, trẻ nhỏ thường chơi trong không gian kín, tiếp xúc gần nhau nên nguy cơ lây lan càng cao. Cơ quan y tế địa phương đã yêu cầu trạm y tế xã, phường tăng cường giám sát và truyền thông phòng bệnh tại cộng đồng.
BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cảnh báo, phụ huynh cần đặc biệt chú ý các biểu hiện như sốt cao khó hạ, giật mình chới với, ói nhiều, thở bất thường, run tay chân, da nổi vân tím, lơ mơ hoặc co giật. Đây là những dấu hiệu cho thấy bệnh đang chuyển sang mức độ nặng, cần nhập viện kịp thời.
Mặc dù chưa ghi nhận các ổ dịch bùng phát quy mô lớn, nhưng mức tăng rải rác tại nhiều tỉnh thành và thực tế xuất hiện một số ca nặng cho thấy TCM đang tiềm ẩn nguy cơ lan rộng. Trong bối cảnh trẻ vẫn đang nghỉ hè và hoạt động sinh hoạt tập trung tại nhà, khu vui chơi hoặc nhóm giữ trẻ gia đình gia tăng, việc giám sát và phòng bệnh cần được thực hiện chủ động hơn từ mỗi gia đình và cộng đồng.
Chủ động phòng bệnh từ mỗi gia đình
Bệnh TCM hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi khả năng lây lan cao, diễn tiến nhanh khiến nhiều trường hợp trở nặng chỉ trong vài giờ nếu không được theo dõi sát. Trong bối cảnh trẻ đang nghỉ hè, không còn sự giám sát y tế tại trường học, vai trò của gia đình trong phòng bệnh và phát hiện sớm triệu chứng trở nên đặc biệt quan trọng.
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), đa phần ca bệnh ở trẻ đều nhẹ, nhưng không loại trừ khả năng diễn biến nặng, đặc biệt là với virus EV71. “Chúng tôi từng tiếp nhận nhiều trường hợp ban đầu chỉ sốt nhẹ hoặc loét miệng, nhưng chỉ sau một đêm đã xuất hiện giật mình liên tục, run tay chân, thở nhanh, hôn mê – biểu hiện nhiễm độc thần kinh cần cấp cứu ngay lập tức” - BS Hải cảnh báo. Ông khuyến cáo, nếu trẻ có biểu hiện sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, quấy khóc kéo dài, hay giật mình khi ngủ, thì dù chưa nổi ban hay loét miệng rõ, vẫn cần được đưa đến cơ sở y tế để loại trừ nguy cơ sớm.
Từ thực tế điều trị tại TPHCM, BSCKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng ghi nhận, nhiều trẻ đến viện trong tình trạng đã có biến chứng. Do đó, phụ huynh không nên đợi đến khi trẻ nổi ban tay chân mới xác định là TCM, vì có những ca chỉ loét miệng hoặc rối loạn thần kinh mà không có phát ban điển hình. Việc trì hoãn nhập viện có thể khiến bệnh vượt qua ngưỡng can thiệp hiệu quả.
Bộ Y tế khuyến cáo, các cơ sở y tế tuyến cơ sở cần chủ động tư vấn, hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với ca bệnh nhẹ, đồng thời tăng cường phát hiện sớm, không để ca nặng chuyển tuyến muộn. Mỗi gia đình cần chủ động theo dõi sức khỏe trẻ hàng ngày, không tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc bôi không rõ nguồn gốc - vốn có thể gây thêm biến chứng hoặc bội nhiễm.
“Trong nhiều trường hợp, sự chủ động từ cha mẹ chính là yếu tố quyết định giúp trẻ vượt qua bệnh an toàn, tránh biến chứng nguy hiểm. TCM là bệnh có thể phòng được nếu cộng đồng cùng nâng cao ý thức” - TS.BS Đỗ Thiện Hải nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, phòng bệnh TCM không phức tạp nếu thực hiện đúng cách. BS Bùi Công Sự – Quản lý Y khoa vùng miền Bắc (Hệ thống VNVC) cho biết, virus TCM có thể tồn tại lâu ngoài môi trường và lây qua tay bẩn, đồ vật nhiễm mầm bệnh. Do đó, rửa tay bằng xà phòng là biện pháp đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Trẻ cần rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chơi đồ chơi hoặc tiếp xúc người khác. Người chăm sóc trẻ cũng phải vệ sinh sạch sẽ sau khi thay tã, lau dọn, nấu ăn hay cho trẻ ăn. Bên cạnh đó, cần cách ly đúng quy định. Trẻ mắc TCM nên nghỉ học hoặc hạn chế tiếp xúc trong ít nhất 7–10 ngày kể từ khi phát hiện bệnh. Tuyệt đối không đưa trẻ ra ngoài khi còn triệu chứng hoặc mụn nước chưa khô, vì dịch tiết chứa lượng virus rất lớn, dễ lây sang trẻ khác.