Bệnh thành tích không chỉ hại bóng đá trẻ Việt Nam!
Vì sao Việt Nam đè bẹp Thái Lan đến 4-0 ngay trên sân vận động Mỹ Đình tại vòng loại U23 châu Á 2020 vào tháng 3.2019, nhưng chỉ 2 năm sau, một số tài năng trẻ của trận thua tan tác đó đã giúp đội tuyển Thái Lan đăng quang AFF Cup 2020 (tổ chức vào năm 2021) sau khi loại đội tuyển nước ta ở bán kết.
Ngôi sao sáng nhất của lứa tài năng này là tiền đạo Supachai Jaided. Thế nhưng Supachai đã vắng mặt ở AFF Cup 2022 do CLB Buriram không "nhả" quân khi anh là cầu thủ chủ lực ghi 10 bàn thắng và 2 kiến tạo sau 13 trận đấu ở Thai-League.
Tuy nhiên, đội tuyển Thái Lan (ĐTTL) vô địch AFF Cup 2022 vẫn còn những đồng đội của Supachai từng thua Việt Nam 0-4 ở vòng loại U23 châu Á 2020 như Kritsada, Ekanit Panya...
Tầm nhìn cùng hệ thống thi đấu của Thái Lan vượt xa Việt Nam
Không chỉ thiếu Supachai, ĐTTL còn thiếu thêm 3 cầu thủ cũng thuộc CLB Burinam là Suphanat Mueanta, Narubadin Weerawatnodom và Ratthanakorn Maikami do tập huấn 45 ngày ở Leicester City (Anh). CLB này không "nhả" cầu thủ cho đội tuyển quốc gia, thay vào đó, họ đưa tất cả qua Anh để nâng cao trình độ khi được tập huấn, thi đấu ở môi trường bóng đá đỉnh cao của thế giới.
Ngay cả hai ngôi sao sáng Chanathip, Supachok Sarachat đang thi đấu ở Nhật Bản cũng không thể trở về đá AFF Cup 2022.
Trước một ĐTTL như thế mà đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) vẫn thua “tâm phục khẩu phục”, thế thì liệu ĐTVN sẽ ra sao khi ĐTTL có đội hình mạnh nhất gồm 10 tuyển thủ mà đa phần trong số này là trụ cột tại AFF Cup.
Tại sao chúng ta luôn thắng Thái Lan ở giải trẻ nhưng thất bại ở đội tuyển quốc gia?
Chúng ta cùng nhìn lại số trận thi đấu ở đấu trường chuyên nghiệp hàng đầu quốc gia để thấy sự khác biệt giữa tính chuyên nghiệp của bóng đá Thái Lan (BĐTL) so với cách làm nghiệp dư của bóng đá Việt Nam (BĐVN).
Cùng tham dự giải U23 châu Á 2022 nhưng cầu thủ Thái Lan có 506 trận ở Thai-League 1 và 32 trận cấp đội tuyển quốc gia. Ngược lại, U23 Việt Nam có vỏn vẹn 185 trận ở V-League.
Để dễ dàng thấy sự chênh lệch này, Một Thế Giới đưa ra 3 cầu thủ cùng chơi vị trí tiền đạo, cùng chơi ở V-League và Thai-Leauge từ 2016 đến nay. Đó là Nguyễn Tiến Linh, Hà Đức Chinh (cùng 25 tuổi) lần lượt thi đấu 116 trận, 125 trận; trong khi đó, Supachai Jaided ở tuổi 24 - tức nhỏ hơn 1 tuổi nhưng có đến 173 trận. Nếu làm phép tính sẽ thấy Supachai đá nhiều hơn Tiến Linh 57 trận và Đức Chinh 48 trận.
Buồn hơn nữa, một tài năng khác của Thái Lan là Suphanat Mueanta, tuy mới 20 tuổi nhưng đã đá cho Thai-League từ mùa 2018. Ngay mùa đầu tiên ở tuổi 15, Suphanat đã được ra sân 5 trận và cho đến nay anh đã đá 94 trận ở đấu trường này. Số trận chuyên nghiệp của Suphanat hơn xa so với Nguyễn Hoàng Đức (25 tuổi) chỉ mới đá 79 trận ở V-League (từ mùa 2019).
Vậy số liệu này đã phản ánh điều gì?
Thai-League 1 có 16 đội và thi đấu liên tục, còn V-League có 14 đội lại bị ngắt quãng. Nói như HLV ĐTVN Philppe Troussier, tính từ lúc kết thúc V-League 2022 cho đến khi V-League 2023 trở lại sau hơn 46 ngày ngắt quãng thì các cầu thủ Việt Nam phải chờ đến... 34 ngày mới được đá 1 trận.
Bệnh khó chữa: Phải lấy thành tích bằng mọi giá!
Đoàn Văn Hậu vô địch AFF Cup 2018 ở tuổi 19 và sau đó xuất ngoại sang Hà Lan. Nhưng anh vẫn phải trở về đá SEA Games 2019 cho U22 Việt Nam chỉ vì BĐVN muốn có được chiếc huy chương vàng.
Đoàn Văn Hậu đã đủ đẳng cấp để có vị trí chính thức ở đội tuyển quốc gia, thế mà vẫn “bị” VFF triệu tập đá cho các đội tuyển U. Cách làm này đã gián tiếp khiến cho BĐVN không thể phát hiện thêm tài năng trẻ mới và dĩ nhiên cách làm của VFF như với trường hợp của Văn Hậu là “có 1 không 2” trên “hành tinh” bóng đá này.
Cùng nhìn qua Thái Lan, cụ thể là với Suphahnat. Dù mới 20 tuổi nhưng anh đã không thi đấu ở AFF Cup 2022 mà thay vào đó là đi tập huấn ở Leicester City (Anh). Nếu ở môi trường BĐVN, chắc chắn anh sẽ bị "triệu tập" để thi đấu ở SEA Games cùng các đội tuyển U từ 20 đến 23.
Nếu nói căn "bệnh thành tích" là bệnh nan y khó chữa đối với BĐVN thì có lẽ không sai. Trên thế giới cũng không có bất kỳ giải bóng đá vô địch quốc gia nào phải ngưng để tập trung toàn lực cho đội trẻ, như V-League 2023 tạm hoãn 46 ngày để cho đội tuyển U20 tham dự Vòng loại U20 châu Á.
Chưa hết, cũng vì bệnh thành tích mà V-League 2023 lại tiếp tục dừng thêm 32 ngày chỉ vì muốn chiếc huy chương vàng SEA Games dành cho đội U22.
Có một nghịch lý là, BĐTL luôn tập trung cho bóng đá đỉnh cao, các giải U, SEA Games luôn tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ tham gia, thì BĐVN lại tăng cường 3 cầu thủ đội tuyển quốc gia cho đội U23 Việt Nam chỉ vì chiếc huy chương vàng SEA Games. May mà SEA Games 2023 này có quy định mới không được tăng cường 3 cầu thủ ngoài U22, nếu không chắc đội Việt Nam lại tiếp tục nhỉnh hơn đội Thái Lan khi bổ sung thêm 3 cầu thủ đội tuyển quốc gia ngoài U22.
Thế nhưng 2 huy chương vàng liên tiếp ở SEA Games 2019, 2022 của BĐVN có giá trị bằng 2 danh hiệu vô địch Đông Nam Á (AFF Cup 2020, 2022) của BĐTL?
Nói như vậy để thấy sự khác biệt giữa tầm nhìn BĐTL và BĐVN.
Người viết đã phác họa bức tranh tổng thể để chúng ta thấy sự khác nhau rõ rệt của hai nền bóng đá đang được xem là hàng đầu Đông Nam Á. Ngay trong đợt FIFA Days vào tháng 3 này, trong khi ĐTVN chỉ “tập chay”, ngược lại ĐTTL có 2 trận giao hữu với Syria và UAE - 2 đội tuyển đều có vị trí cao hơn Thái Lan ở bảng xếp hạng FIFA. Đồng thời BĐTL cũng có đội U22 thi đấu Doha Cup 2023 vào cuối tháng 3 như BĐVN.
Những nhà điều hành BĐVN, đặc biệt bộ phận phụ trách chuyên môn liệu có thấy và hiểu được vì sao BĐVN đang tụt hậu dần so với BĐTL? Do đâu BĐVN nhỉnh hơn BĐTL ở vạch xuất phát nhưng lại thua ở đích đến?