Bệnh 'trốn' niêm yết
Trì hoãn, trốn niêm yết là căn bệnh trầm kha của nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa (CPH). Lũy kế đến nay, có tổng cộng 780 doanh nghiệp (DN) sau CPH thuộc danh sách phải thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) nhưng không chấp hành. Trong gần hai năm, từ tháng 8-2017 đến tháng 6-2019, chỉ có 125 DN thực hiện niêm yết theo đúng quy định.
Có hàng trăm lý do được DN vin vào để trì hoãn việc lên sàn. Nào kinh doanh thua lỗ nhiều năm; nào chưa nắm được các quy định về đưa cổ phiếu lên sàn; nào không đủ số lượng cổ đông hoặc không đủ vốn điều lệ cần thiết để trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch, niêm yết,... Gửi báo cáo đến cơ quan chức năng về việc thực hiện quy định này, nhiều DN cho biết đang hoàn tất hồ sơ quyết toán, đang bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, đang hoàn thiện hồ sơ lưu ký hoặc đang hoàn tất thủ tục lên sàn… nhưng công đoạn này kéo dài từ năm này sang năm khác mà thời điểm lên sàn vẫn mờ mịt. Cá biệt, có trường hợp cho rằng việc niêm yết chưa mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông và công ty nên chưa thực hiện!
“Bệnh” ngày càng nặng nhưng trị bệnh dường như chỉ có “đơn thuốc” duy nhất là chế tài xử phạt hành chính từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Ngay cả khi có án phạt vì chậm lên sàn, DN cũng tiếp tục chây ỳ. Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho thấy, mới chỉ có 24 trong tổng số 148 DN chấp hành nộp phạt, số còn lại lấy lý do đang kiểm toán, xác định lại giá trị DN để trì hoãn. Ngay cả khi chấp hành, tiền thi hành quyết định xử phạt cũng chỉ như muối bỏ bể cho nên chưa tạo được tính răn đe. Việc nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK không chỉ làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, làm chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ tốt và chuẩn mực của các DN trên sàn mà còn làm hạn chế công tác giám sát của xã hội đối với hoạt động của các DN này. Theo các chuyên gia, chỉ có một số ít nhóm cổ đông được lợi khi DN trốn lên sàn, còn cổ đông lớn là nhà nước và đặc biệt là cổ đông nhỏ đều thiệt hại bởi khi DN hoạt động trong “vùng tối”, rất có thể xảy ra những giao dịch mập mờ, thiếu minh bạch.
Việc bắt buộc các DN sau CPH niêm yết trên sàn chứng khoán nhằm minh bạch hóa thông tin về tình hình “sức khỏe” của DN, cụ thể là DN hoạt động thế nào, tình hình tài chính ra sao,... Qua đó, tài sản của Nhà nước tại DN được bảo đảm, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đồng thời giúp việc niêm yết sau khi CPH trở thành một kênh gọi vốn đầu tư hiệu quả cho DN. Do đó, Bộ Tài chính đang tìm phương thuốc đặc trị cho căn bệnh “trốn” niêm yết. Trên cơ sở rà soát kỹ các DN chưa đưa cổ phiếu lên sàn, Bộ sẽ điểm danh cụ thể, trình Chính phủ công bố công khai, gắn với đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Bộ Tài chính cũng đôn đốc cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy DN đưa cổ phiếu lên sàn, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan này cũng như của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, UBND các tỉnh, thành phố trong việc DN chậm niêm yết. Giao Ủy ban Chứng khoán nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt theo hướng bảo đảm công bằng, minh bạch đối với các DN vi phạm...