Bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất thế giới
Bệnh lao đeo bám người mắc suốt cả đời, khiến họ phải uống nhiều loại thuốc và chịu đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.
Theo ông Mel Spigelman, Chủ tịch Liên minh Bệnh Lao, lao (TB) là bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất thế giới. Khi Covid-19 xuất hiện, chúng ta tập trung tiêu diệt đại dịch nhưng đó cũng là lúc bệnh lao âm thầm gây nên những nỗi ám ảnh trong nhóm yếu thế.
Mỗi năm, 1,5 triệu người tử vong vì căn bệnh này, tương đương 4.109 người/ngày.
Bệnh lao là gì?
Theo Mayo Clinic, bệnh lao (TB) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến phổi. Vi khuẩn gây bệnh lao lây từ người này sang người khác thông qua các hạt nhỏ li ti phát tán vào không khí khi ho và hắt hơi.
Lao từng là bệnh hiếm gặp ở các nước phát triển. Song, từ năm 1985, số ca mắc bệnh lao bắt đầu gia tăng, một phần là do sự xuất hiện của HIV. HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến bệnh nhân không thể chống lại vi trùng cao.
Tại Mỹ, nhờ các chương trình kiểm soát mạnh mẽ hơn, từ 1993, bệnh lao bắt đầu giảm nhưng nó vẫn là một mối quan tâm.
Nhiều chủng vi khuẩn lao kháng lại các loại thuốc dùng để trị bệnh. Những người mắc bệnh lao thể hoạt động phải dùng nhiều loại thuốc trong nhiều tháng để thoát khỏi tình trạng nhiễm trùng và ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Triệu chứng
Cơ thể có thể chứa vi khuẩn gây bệnh lao nhưng hệ thống miễn dịch thường có thể ngăn ngừa chúng ta biểu hiện bệnh. Do đó, bác sĩ thường phân biệt lao thành hai thể:
Lao tiềm ẩn: Đây là tình trạng bạn bị nhiễm vi khuẩn nhưng nó tồn tại trong cơ thể dưới dạng hoạt động và không gây ra triệu chứng. Bệnh lao tiềm ẩn hay bệnh lao không hoạt động không lây nhiễm. Lao tiềm ẩn có thể chuyển thành lao hoạt động. Vì vậy, việc điều trị rất quan trọng.
Lao hoạt động: Khiến người bệnh bị ốm, trong hầu hết trường hợp còn có thể lây cho người khác. Triệu chứng có thể xuất hiện sau vài tuần hoặc vài năm nhiễm vi khuẩn lao.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao thể hoạt động gồm: Ho từ 3 tuần trở lên, ho ra máu hoặc chất nhầy, đau ngực hoặc đau khi thở hoặc ho, giảm cân không lý do, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi trộm, ớn lạnh, ăn không ngon...
Bệnh lao cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như thận, cột sống hoặc não. Khi bệnh lao xuất hiện bên ngoài phổi, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ khác nhau tùy theo cơ quan liên quan. Ví dụ, bệnh lao cột sống có thể gây đau lưng và bệnh lao ở thận có thể gây tiểu ra máu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo những người có nguy cơ cao mắc bệnh lao nên được sàng lọc để phát hiện nhiễm lao tiềm ẩn: Người bị HIV/AIDS, tiếp xúc với người nhiễm bệnh, ở quốc gia có bệnh lao phổ biến (một số nước ở châu Mỹ Latin, châu Phi, châu Á), sống hoặc làm việc ở các khu vực bệnh lao phổ biến như nhà tù hoặc viện dưỡng lão...
Lao kháng thuốc
Bệnh lao được gọi là "kẻ giết người" nhiều nhất thế giới, một phần vì tình trạng lao kháng thuốc ngày càng nhiều. Theo thời gian, một số vi trùng lao phát triển khả năng tồn tại bất chấp thuốc điều trị. Nguyên nhân một phần là bệnh nhân không dùng thuốc theo chỉ dẫn hoặc không đủ liệu trình.
Các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc xuất hiện khi một loại thuốc kháng sinh không tiêu diệt được tất cả vi khuẩn mà nó nhắm đến. Các vi khuẩn sống sót sẽ đề kháng với loại thuốc đó và thường là cả những loại thuốc kháng sinh khác. Một số vi khuẩn lao đã phát triển khả năng kháng lại nhiều phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến nhất như isoniazid và rifampin (Rifadin, Rimactane).
Một số chủng lao cũng phát triển khả năng kháng với một số loại thuốc ít được sử dụng trong điều trị lao như thuốc kháng sinh fluoroquinolones, thuốc tiêm amikacin và capreomycin (Capastat). Những loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng có khả năng kháng lại những loại thuốc phổ biến khác.
Các biến chứng
Nếu không điều trị, bệnh lao có thể gây tử vong. Bệnh hoạt động không được điều trị thường ảnh hưởng đến phổi, thậm chí là nhiều bộ phận khác.
Các biến chứng của bệnh lao bao gồm:
Đau cột sống: Đau lưng và cứng khớp là những biến chứng phổ biến
Tổn thương khớp: Viêm khớp do bệnh lao thường ảnh hưởng đến hông và đầu gối.
Sưng màng bao phủ não (viêm màng não): Điều này có thể gây ra cơn đau đầu kéo dài hoặc không liên tục xảy ra trong nhiều tuần, thậm chí gây ra những thay đổi về tinh thần.
Các vấn đề về gan hoặc thận: Gan và thận giúp lọc chất thải và tạp chất khỏi máu. Bệnh lao di căn đến các cơ quan này có thể gây suy giảm các chức năng gan, thận.
Rối loạn tim: Hiếm khi bệnh lao có thể lây nhiễm sang các mô bao quanh tim. Song, nếu xảy ra tình trạng này, chúng gây viêm và tích tụ chất lỏng, cản trở khả năng bơm máu của tim. Tình trạng này, được gọi là chèn ép tim, có thể gây tử vong.
Phòng ngừa
Cách duy nhất để giảm ảnh hưởng do lao gây ra đó là ngăn ngừa bị nhiễm vi khuẩn hoặc không cho lao tiềm ẩn chuyển thành lao hoạt động. Chỉ có bệnh lao đang hoạt động mới có khả năng lây nhiễm.
Nếu bị bệnh lao đang hoạt động, thường bạn sẽ mất vài tuần điều trị bằng thuốc điều trị lao trước khi không còn khả năng lây nhiễm. Người bệnh nên cách ly, tránh tiếp xúc với người khác trong vài tuần đầu điều trị.
Phòng ở của bệnh nhân cần được thông gió. Vi trùng lao dễ lây lan hơn trong những không gian nhỏ, khép kín. Nếu ngoài trời không quá lạnh, hãy mở cửa sổ và dùng quạt để thổi không khí trong nhà ra bên ngoài.
Người bệnh cần che miệng khi cười, hắt hơi, ho, khăn giấy dùng để che miệng phải cho vào túi, buộc kín và tiêu hủy. Trong 3 tuần đầu điều trị, bệnh nhân cần đeo khẩu trang để giảm nguy cơ phát tán virus.
Uống hết thuốc là bước quan trọng nhất để bảo vệ bản thân và những người khác khỏi bệnh lao. Khi bạn dừng điều trị sớm hoặc bỏ liều, vi khuẩn lao có cơ hội phát triển các đột biến, vượt qua ngay cả những loại thuốc lao mạnh nhất. Các chủng lao kháng thuốc khiến tỷ lệ tử vong cao hơn, khó điều trị hơn.
Ở các quốc gia nơi bệnh lao phổ biến hơn, trẻ sơ sinh thường được tiêm vaccine ngừa lao bacille Calmette-Guerin (BCG). Tuy nhiên, vaccine BCG không được khuyến khích sử dụng chung ở Mỹ và nhiều nước vì nó không hiệu quả với người lớn. Hàng chục loại vaccine phòng lao mới đang trong các giai đoạn phát triển và thử nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đây là căn bệnh chưa có vaccine phòng ngừa.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/benh-truyen-nhiem-gay-tu-vong-nhieu-nhat-the-gioi-post1369114.html