Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối: Triệu chứng và phương pháp điều trị
Bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối thường có các biểu hiện rõ rệt, dễ nhận biết không như ở giai đoạn đầu khi các triệu chứng còn khá mơ hồ và không rõ ràng.
Bệnh ung thư dạ dày gồm 5 giai đoạn (từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 4). Ung thư dạ dày giai đoạn cuối thường có các biểu hiện khá rõ rệt, không giống như ở giai đoạn đầu các biểu hiện khá mơ hồ, không rõ ràng. Cùng tìm hiểu dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn cuối và các phương pháp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Triệu chứng bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối
Theo các chuyên gia, so với những giai đoạn đầu thường khá mờ nhạt thì triệu chứng của ung thư dạ dày giai đoạn cuối rõ rệt hơn. Cụ thể về các dấu hiệu nhận biết đặc trưng mà người bệnh cần hết sức lưu tâm để đi thăm khám và có cách trị liệu thích hợp.
Đi ngoài phân đen
Một trong các dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất khi ung thư dạ dày bước vào giai đoạn hiếm muộn là đi ngoài phân đen. Nguyên nhân là do máu trên khối u dạ dày bị vỡ hoặc tổn thương dẫn đến xuất huyết rồi chảy xuống hậu môn, đi cùng thức ăn và dẫn tới đại tiện phân đen. Ngoài ra, phân đen có biểu hiện kèm theo của phân dính máu.
Sút cân, thiếu máu
Ở giai đoạn cuối của ung thư dạ dày, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, cơ thể suy nhược do không cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Hơn nữa ăn vào thường cảm thấy nuốt nghẹn, buồn nôn và nôn, cộng với đi đại tiện ra máu khiến cơ thể người bệnh dễ sụt cân nhanh luôn trong tình trạng thiếu máu, cơ thể suy nhược.
Đau, trướng bụng dữ dội
Nếu như ở giai đoạn trước, người bệnh ung thư dạ dày có thể chỉ cảm thấy đau âm ỉ vùng bụng, cảm giác đầy bụng, thì đến giai đoạn cuối các cơn đau, trướng bụng trở nên dữ dội và rõ rệt, đau tập trung ở vùng bụng trên rốn.
Đây là khi các tế bào ung thư đã di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể như hạch bạch huyết, gan, phổi, xương,… và các khối u chèn ép vào dây thần kinh.
Cảm giác buồn nôn và nôn mửa
Khối u chèn ép thành dạ dày làm cho việc dung nạp lượng thức ăn trở nên ngày càng khó khăn. Đồng thời gây cản trở việc hấp thụ và tiêu hóa thức ăn có trong dạ dày. Vì vậy, người bệnh thường có cảm giác buồn nôn hay nôn mửa. Thậm chí trường hợp nặng hơn nôn ra máu kèm thức ăn do khối u trong dạ dày đã lớn, bị vỡ và làm loét dạ dày dẫn đến chảy máu.
Sờ có khối u vùng bụng
Khối u khi bước vào giai đoạn cuối của bệnh ung thư dạ dày đã dần phát triển với kích thước lớn. Vì thế, nếu bạn lấy tay sờ vào vùng bụng có thể dễ dàng nhận thấy một khối u rắn “tồn tại”.
Phương thức điều trị giảm nhẹ ung thư dạ dày
Việc điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối phụ thuộc vào kích thước của khối u và vị trí của nó trong cơ thể, các triệu chứng người bệnh gặp phải và phương pháp điều trị trước đó.
Để thu nhỏ hoặc làm chậm sự phát triển của ung thư và giảm các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các phương pháp:
Hóa trị
Dùng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Nếu ung thư ở giai đoạn sớm, việc sử dụng hóa trị giúp hỗ trợ phẫu thuật, tia xạ hoặc cả hai với mục địch tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể để tránh ung thư tái phát.
Xạ trị
Dùng tia phóng xạ để tiêu diệt ung thư. Điều trị bằng xạ trị sau phẫu thuật giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Có thể kết hợp cùng với hóa chất để làm nhỏ các khối u và giảm triệu chứng.
Phẫu thuật
Với ung thư dạ dày giai đoạn sớm nếu được phát hiện, đặc biệt là ở giai đoạn tiền ung thư (giai đoạn 0) khi các tế bào ung thư mới chỉ nằm ở lớp niêm mạc mỏng bên thành dạ dày thì có thể can thiệp kịp thời bằng nội soi để phát hiện, sinh thiết, xét nghiệm máu. Sau đó người bệnh được điều trị bằng một trong các phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Trường hợp dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn cuối có thể can thiệp phẫu thuật tạm thời, điều chỉnh lại sự lưu thông của đường tiêu hóa giúp kéo dài cuộc sống cho người bệnh.
Việc sử dụng phương pháp nào để điều trị còn tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, cơ thể của người bệnh. Ung thư dạ dày có thể điều trị thành công nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, đa số người bệnh phát hiện khi bệnh ở giai đoạn muộn. Khi này bác sĩ sẽ phối kết hợp với các phương pháp điều trị để cải thiện triệu chứng, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối
Đối với người bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối, sự thoải mái lúc này là điều quan trọng nhất. Do vậy, khi chăm sóc bệnh nhân, bạn có thể làm những điều sau để mang đến sự dễ chịu cho họ.
- Cho người bệnh nằm trên loại nệm mềm, thoải mái nhất và thường xuyên thay đổi tư thế nằm cho họ như nâng cao đầu hoặc nghiêng người.
- Thay ga trải giường hàng ngày.
- Thỉnh thoảng có thể cho người bệnh ngâm người trong nước ấm với tinh dầu để thư giãn.
- Khi nói chuyện với người bệnh, bạn nên nói với giọng rõ ràng, điềm đạm, động viên, an ủi họ như “đừng lo lắng nhé có tôi ở đây rồi”, “mọi thứ đều ổn”, “tôi sẽ luôn bên bạn”…
- Chia làm nhiều bữa ăn nhỏ cho người bệnh.
- Liên tục xoa bóp cho người bệnh giúp máu lưu thông và mang đến cảm giác dễ chịu cho họ.
- Người trong gia đình có thể thay phiên nhau ngồi bên cạnh trò chuyện với người bệnh. Không ngừng nắm tay và có những cử chỉ yêu thương, nhẹ nhàng để người bệnh cảm thấy ấm áp.
Hãy giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng đau đớn bằng cách nhờ tới sự hỗ trợ của các nhân viên y tế. Họ có thể hướng dẫn bạn chăm sóc giảm nhẹ để giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.