Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò: Vẫn còn nguy cơ lây lan cao
Theo đánh giá của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện tại 92 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố. Nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.
Theo Bộ NN-PTNT, nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới do nhiều nguyên nhân như: thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,...) phát triển, bay xa, ra phạm vi rộng; Trong khi đó, một số địa phương còn chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; chưa có kế hoạch, chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vaccine và tổ chức tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục; tỷ lệ tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục thấp; bệnh viêm da nổi cục có khả năng tồn tại ở đàn gia súc trong thời gian dài, cũng như tiếp tục có khả năng xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam…
Về cơ bản Tây Ninh đã kiểm soát được dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Trên địa bàn tỉnh, đến ngày 7.10 đã ghi nhận 4.928 hộ có trâu bò bị bệnh, với 9.613 con bị nhiễm bệnh, 1.627 con trâu, bò chết và tiêu hủy. Đến nay, ngành thú y đã tiêm 66.686 liều vắc xin phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò.
Tuy nhiên, do bệnh viêm da nổi cục lây lan nhanh, xuất hiện ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Do đó, ngành nông nghiệp thường xuyên vận động, khuyến khích người chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh sát trùng chuồng trại liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ có gia súc nghi mắc bệnh, làm mùng chống côn trùng, tiêm phòng cho đàn trâu, bò; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ…
Ông Lê Phát Đạt, ngụ ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, Huyện Dương Minh Châu cho biết: từ khi trên địa bàn xã xuất hiện dịch viêm da nổi cục ở trâu bò, gia đình ông rất chú trọng thực hiện nghiêm các giải pháp phòng bệnh, nhất là việc tiêu độc, khử trùng, cũng như các giải pháp ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài. Đặc biệt, trại nuôi đã chủ động báo cho ngành thú y khi phát hiện có bò bị nhiễm bệnh và thực hiện tiêm vaccine cho đàn bò vì đây là giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch bệnh này.
Hiện nay, đang vào giai đoạn mưa nhiều, ẩm độ cao, mầm bệnh phát triển nhanh, sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm nên dễ xuất hiện các loại bệnh khác như dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi…Do đó, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y.
Bà Đỗ Thị Thoa, chủ một trang trại chăn nuôi heo tại thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu cho biết, hiện nay dịch tả heo Châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh, rủi ro về kinh tế rất lớn vì hiện chưa có vaccine phòng dịch này. Do đó, gia đình luôn chú ý vệ sinh kỹ chuồng trại, tiêm vắc xin, không lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Ông Đặng Thủ Thừa-Phó chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho hay, công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là việc tiêm vaccine phòng dịch bệnh trên đàn trâu bò đang được địa phương tập trung thực hiện. Đồng thời, ngành thú ý hướng dẫn người chăn nuôi hàng ngày tiến hành vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nhốt gia súc và khu vực xung quanh; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng.
Đồng thời, tăng cường quản lý việc mua bán, vận chuyển gia súc giống nhập vào địa bàn để giảm thiểu lây lan của dịch bệnh; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để người chăn nuôi biết và chủ động thực hiện.