Bệnh viện Bà Rịa nợ như 'chúa chổm', Giám đốc sắp nghỉ hưu bổ nhiệm 5 cán bộ chủ chốt
Có dấu hiệu cho thấy sự thiếu dân chủ, không minh bạch trong công tác cán bộ của Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa.
Công nợ 246 tỷ đồng
Ngoài việc bị phản ánh thiếu dân chủ, có dấu hiệu thiên vị, vượt cấp trong việc thực hiện quy trình bỏ phiếu, bầu nhân sự lãnh đạo cho bệnh viện như Báo Giáo dục và Thời đại đã đăng tải thông tin trước đó, ông Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa còn bị phản ánh có hành vi định hướng, dẫn dắt, thậm chí dọa nạt ứng viên trực tiếp tham gia quy trình bỏ phiếu tín nhiệm ngay sau khi việc bỏ phiếu lần thứ 2 bị dừng lại ở bước 3 (ngày 27/9/2021).
Theo tài liệu chúng tôi được cung cấp, ông Nguyễn Văn Hương đã can thiệp, dẫn dắt ứng viên bằng lời nói khi ông đã đề nghị bác sĩ L.M.H rút lui để ứng viên còn lại thuận lợi. Ngoài việc yêu cầu ứng viên rút lui và thông tin ứng viên kia có nhiều quan hệ lớn, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa còn cho rằng lý lịch ứng viên trong quy hoạch Ban Giám đốc là xấu, có thể phiền hà khi an ninh hỏi tới!?
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bà Rịa đã gửi đơn kiến nghị lên Đảng ủy Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đơn gửi ngày 13/5/2022) phản ánh những dấu hiệu bất thường trên và yêu cầu làm rõ hành vi vi phạm Điều 12 trong những điều đảng viên không được làm của Giám đốc bệnh viện. Tuy vậy, đến nay Đảng ủy Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa có phản hồi.
Không chỉ bị “tố” có nhiều vi phạm trong việc bổ nhiệm, Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa còn bị phản ánh quản lý kém hiệu quả khiến đời sống cán bộ, nhân viên khó khăn vì mất thu nhập tăng thêm (chỉ còn lương).
Đặc biệt, việc bệnh viện còn khoản công nợ lên tới hơn 246 tỉ đồng, khiến cho việc thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra, trong khi giám đốc sắp về hưu, khiến cán bộ, nhân viên rất lo lắng.
Báo cáo từ kết quả giám sát của Tổ Giám sát thuộc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, tình trạng thiếu thuốc tại bệnh viện là do công ty trúng thầu nhưng không có thuốc cung cấp. Công ty giao thuốc nhưng chỉ giao số lượng hạn chế so với số lượng dự trù của đơn vị.
Nguyên nhân do bệnh viện nợ quá hạn (trên 90 ngày) nên đơn vị cung cấp hạn chế. Đáng nói, cơ số thuốc bị thiếu gồm nhiều loại quan trọng như thuốc gây tê, gây mê, chống viêm không steroid, thuốc điều trị ký sinh trùng, thuốc chống nhiễm khuẩn, thuốc tim mạch…
Hiện bệnh viện nợ ghi nhận theo hóa đơn hơn 246 tỉ đồng. Trong đó, công nợ các nhà cung cấp nhận đủ hồ sơ thanh toán là hơn 189 tỉ đồng. Số kinh phí BHXH không đồng ý thanh toán là hơn 84 tỉ đồng (từ 2017 - 2021). Nguyên nhân được chỉ ra là do cách tính tổng mức thanh toán của BHXH chưa phù hợp dẫn đến kinh phí đơn vị đã bỏ ra sử dụng cho người bệnh không được BHXH đồng ý quyết toán.
5 quyết định bổ nhiệm trong ngày
Được biết, ông Hương sẽ nhận quyết định về hưu từ ngày 1/9/2022. Trước thời điểm nghỉ hưu, ông Nguyễn Văn Hương thực hiện việc bổ nhiệm hàng loạt vị trí Trưởng khoa, phòng trước hội nghị giới thiệu chức danh lãnh đạo bệnh viện lần thứ 3 (ngày 12/7/2022).
Cụ thể ông Nguyễn Văn Hương đã ký một lúc 5 quyết định bổ nhiệm: Trưởng khoa Tai mũi họng, Trưởng khoa Nội soi, Trưởng khoa Lọc máu, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Trưởng phòng Quản lý chất lượng trong vòng một ngày (30/03/2022).
Đặc biệt, việc bổ nhiệm 5 lãnh đạo chủ chốt này cũng được cho là đã ít nhiều tác động đến việc bỏ phiếu tín nhiệm chức danh lãnh đạo bệnh viện được tổ chức lần thứ 3 (ngày 12/7/2022).
Luật sư Lê Bá Thường - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, theo Khoản 6, Điều 5 của Quy định số 205 -QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền về thẩm quyền bổ nhiệm và điều động nhân sự của người lãnh đạo sắp về hưu, thì kể từ khi có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyển công tác, phải báo cáo bằng văn bản và phải được cấp trên trực tiếp đồng ý trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp.
“Do đó, theo quy định trên có thể hiểu rằng, nếu người lãnh đạo đã nhận được thông báo nghỉ hưu rồi thì mọi sự sắp xếp, bổ nhiệm công tác cán bộ trong thời gian chờ nghỉ hưu phải được cấp trên trực tiếp của người lãnh đạo đồng ý, bấy giờ quá trình thực hiện quy trình bổ nhiệm, điều động các nhân sự mới không vi phạm Quy định số 205-QĐ/TW.
Tuy nhiên, nếu lãnh đạo sắp về hưu vẫn chưa nhận được thông báo sẽ nghỉ hưu bằng văn bản của cấp trên thì người lãnh đạo vẫn có quyền bổ nhiệm công tác nhân sự. Nhưng để tránh bị dị nghị và nghi ngờ tính trung thực khách quan thì tốt nhất người lãnh đạo sắp về hưu không nên bổ nhiệm hay điều động cán bộ” - Luật sư Lê Bá Thường chia sẻ.