Bệnh viện Bạch Mai đề xuất xin được thực hiện tự chủ ở nhóm hai

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho hay đơn vị này xin được thực hiện tự chủ ở nhóm hai, tức là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên giai đoạn 2022-2026.

Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như về việc thực hiện tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm.

Ngày 8/11, Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết đơn vị này là một trong bốn bệnh viện đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 (nhóm một). Ba bệnh viện còn lại là: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện K. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn Bệnh viện Bạch Mai và K thực hiện tự chủ tài chính toàn diện.

Tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết Nghị định 60 chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

“Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ rất linh hoạt, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập xem xét thực hiện theo nhóm nào. Thời gian qua chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ và đề xuất Bệnh viện Bạch Mai được thực hiện tự chủ ở nhóm hai, tức là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên giai đoạn 2022-2026. Sau này điều kiện, cơ sở hạ tầng tốt, có văn bản pháp quy rõ ràng thì sẽ nghĩ đến tự chủ toàn diện, phải có lộ trình,” ông Cơ đề xuất.

Lý do là bởi trong hơn 10 năm qua, thực hiện dự án liên doanh liên kết, Bệnh viện Bạch Mai không thiếu thốn tài chính, đời sống cán bộ nhân viên ổn định, an tâm công tác. Khi cơ quan tư pháp vào kiểm tra, thấy các dự án liên doanh liên kết vướng pháp lý, không chặt chẽ, có những đề án vi phạm pháp luật. Một loạt dự án liên doanh liên kết không tiếp tục được nữa, cơ sở pháp lý không có, hoạt động không phù hợp. Do vậy, bệnh viện dừng nhiều đề án liên doanh liên kết, chỉ còn một vài đề án thực hiện trong những tháng cuối cùng của hợp đồng.

Khi không thực hiện dự án liên doanh liên kết, Bệnh viện Bạch Mai gặp nhiều khó khăn.

“Hiện bệnh viện đang thiếu thiết bị y tế trầm trọng nhất là thiết bị phục vụ chẩn đoán hình ảnh, đáng chú ý thiết bị chẩn đoán trong y học hạt nhân và u bướu về con số 0 như máy Pet, cộng hưởng từ, xạ phẫu; máy hiện đại phục vụ phẫu thuật như thiết bị vi phẫu, robot... phải lưu kho hai năm nay vì được xem là tang vật của vụ án. Bệnh nhân đến khám không có thiết bị điều trị, bệnh viện phải chuyển một lượng lớn người bệnh đến bệnh viện khác để chụp Pet, xạ trị... Trước đây bệnh viện có máy chụp 250 dãy hiện đại nhất nhưng hiện nay không còn. Hệ thống nội soi trong lĩnh vực tiêu hóa cũng thiếu,” ông Cơ nhấn mạnh.

Năm 2022, bệnh nhân vào các chuyên khoa nội và ngoại tăng, tuy nhiên chênh lệch thu chi rất thấp, nguồn quỹ dành cho chi thường xuyên không tăng nên đời sống nhân viên không đảm bảo. Trong năm 2022, đã có hơn 100 cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện xin nghỉ việc, chuyển việc.

Bệnh viện Bạch Mai còn một ít thiết bị, hiện tích cực mua sắm nhưng nguồn tài chính không cho phép, cần hàng nghìn tỉ đồng song không có tiền để mua. 95% máy xét nghiệm trong bệnh viện là máy đặt, máy mượn. Thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội không cho phép dùng máy đặt máy mượn, gây khó khăn cho bệnh viện trong chẩn đoán điều trị bệnh nhân. Nay nghị quyết mới của Chính phủ vừa ban hành đã tháo gỡ vướng mắc này trong một năm.

Vị lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết thời gian qua Chính phủ đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, đang chờ đợi Luật Khám chữa bệnh mới để các bệnh viện hoạt động bám sát luật pháp. Có như vậy hệ thống y tế mới vững chắc, phát triển./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/benh-vien-bach-mai-de-xuat-xin-duoc-thuc-hien-tu-chu-o-nhom-hai/827969.vnp