Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy lo ngại bị 'treo' chi phí từ máy mượn, máy đặt

Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy (TP.HCM) cùng bày tỏ lo ngại bị 'treo' chi phí từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hóa trong lúc chờ chuyển đổi cơ chế quản lý.

Máy mượn, máy đặt, máy xã hội hóa là hình thức hợp tác công - tư phổ biến ở nhiều bệnh viện công lập trên cả nước, đáp ứng một phần rất lớn nhu cầu sử dụng thiết bị y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hầu hết các dịch vụ có tính cơ bản, quan trọng này đều được liên Bộ Y tế - Tài chính thống nhất đưa vào danh mục chi trả BHYT.

Tuy nhiên, gần đây xu hướng "xét lại" chính sách đang dẫn tới việc thanh toán BHYT cho các dịch vụ sử dụng thiết bị y tế mượn, đặt, xã hội hóa bị ách tắc. Vì vậy, ngày 2-8, BHXH Việt Nam đã tổ chức hội nghị hi vọng tháo gỡ.

1.601 tỉ đồng chưa được quyết toán

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, cho biết đến thời điểm này, tổng chi phí khám, chữa bệnh có sử dụng chế độ BHYT nhưng vượt trần thanh toán, vượt dự toán Chính phủ giao, dẫn tới chưa quyết toán được 1.601 tỷ đồng mà 28 tỉnh, thành phố và 320 cơ sở khám chữa bệnh thực tế đã chi trả.

Việc này đang được bộ phận chuyên môn của BHXH Việt Nam phân tích hồ sơ, xác định các khoản đủ điều kiện thanh toán. Trên cơ sở đó mới tổng hợp báo cáo Hội đồng Quản lý quỹ xem xét, đưa vào quyết toán năm 2021. Quá trình thẩm định cần có sự phối hợp chặt chẽ của cơ sở khám chữa bệnh, BHXH và Sở Y tế các địa phương.

Trong khoản tiền lớn đang chờ quyết toán này có một số vướng mắc liên quan đến việc sử dụng dịch vụ kỹ thuật (DVKT) từ các máy mượn, máy đặt, máy xã hội hóa. Các thiết bị y tế đang theo hình thức hợp tác công - tư này phải chuyển đổi hình thức sở hữu theo Nghị định 151/2017 của Chính phủ, nhưng chưa thực hiện. Nay muốn quyết toán chi phí dịch vụ thì các Bộ, Chính phủ phải vào cuộc.

Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp, liên quan tới máy mượn, máy đặt, máy xã hội hóa nêu trên, việc quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT năm 2021 còn bị chậm do chưa có hướng dẫn để giải quyết các vấn đề phát sinh do đại dịch COVID-19 gây ra.

“Tại nhiều cơ sở y tế, chi phí khám chữa bệnh BHYT sau giám định cao hơn rất nhiều so với chi phí được quyết toán theo tổng mức thanh toán, có nơi chênh lệch đến 15%-20%” - ông Phúc nói.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các cơ sở y tế. Ảnh: V.LONG

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các cơ sở y tế. Ảnh: V.LONG

Nỗi lo của các bệnh viện công lập

Tại hội nghị, mối lo lắng lớn nhất của các cơ sở y tế công lập là việc bị treo, không quyết toán những khoản mà họ đã thực tế chi trả để sử dụng dịch vụ từ các thiết bị y tế đắt tiền, ngân sách không đầu tư mà phải dựa vào các hình thức hợp tác công tư như mượn, đặt, xã hội hóa.

PGS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và TS Nguyễn Trí Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ lo nại là liên Bộ Tài chính - Y tế chưa hướng dẫn để việc quyết toán các khoản đã, đang và sẽ phải chi này. Vậy nên, với tính chất hội nghị do BHXH Việt Nam chủ trì, hai bệnh viện lớn ở hai đầu đất nước đề nghị BHXH Việt Nam sớm đề xuất giải pháp thanh toán phù hợp với thực tế sử dụng của cơ sở y tế và sửa đổi các quy định sát với thực tế hơn nữa, không để lãng phí các thiết bị đã mượn, đặt, xã hội hóa.

Đại diện cho Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hưng cũng đồng quan điểm, đề nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sớm tháo gỡ vướng mắc về tổng mức thanh toán theo quy định tại Nghị định số 146/2018, vốn đang khiến nhiều cơ sở y tế lo ngại về số chi hợp lệ nhưng lại vượt mức quy định.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết quan điểm của Cục là cố gắng cùng ngành BHXH, các cơ sở y tế tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy trình kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn. Cục cũng đang gấp rút thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, sửa đổi thông tư về định mức kỹ thuật, danh mục dịch vụ kỹ thuật, rút gọn từ trên 18.000 dịch vụ xuống còn khoảng 10.000 dịch vụ tương đương. Đây cũng là một giải pháp để việc thanh toán chi phí BHYT thuận lợi hơn.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: V.LONG

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: V.LONG

Cũng từ Bộ Y tế, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết Bộ đang trình Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ các máy hợp tác công - tư, đưa vào Nghị quyết của Chính phủ. Đề xuất của Bộ Y tế không chỉ tháo gỡ ách tắc hiện tại mà còn mong Bộ Tài chính trên cơ sở đó sửa đổi quy định có liên quan phù hợp thực tiễn sống động của ngành y tế hiện nay.

Lắng nghe, chưa thể quyết đáp cụ thể

Kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng các khó khăn vướng mắc mà các cơ sở khám, chữa bệnh đang đối mặt không phải xuất phát từ cơ chế chính sách, mà từ tổ chức thực hiện, đang thiếu phối hợp. BHXH Việt Nam sẵn sàng cùng ngành y tế làm rõ vấn đề, cùng nhau xử lý dứt điểm.

Ông cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp với các cơ sở y tế tiếp tục rà soát các chi phí khám chữa bệnh BHYT chưa được thanh toán trước năm 2021, đảm bảo đủ hồ sơ, điều kiện để báo cáo, đề xuất với Hội đồng quản lý quỹ đưa vào quyết toán năm 2021 và cần xử lý dứt điểm, không kéo dài.

“Tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh để thực hiện tạm ứng, quyết toán đúng quy định, đảm bảo tiến độ. Cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các vụ, Cục của Bộ Y tế trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những vướng mắc, bất cập thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế…”- ông Mạnh yêu cầu.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/benh-vien-bach-mai-va-cho-ray-lo-ngai-bi-treo-chi-phi-tu-may-muon-may-dat-post692146.html