Bệnh viện 'bình thường mới' tại TP.HCM đảm bảo chức năng thích ứng với dịch bệnh
Các bệnh viện tại TP.HCM trở lại trạng thái 'bình thường mới' phải đảm bảo thực hiện 2 chức năng, đó là khám, chữa bệnh nhưng luôn sẵn sàng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Bệnh viện “xanh”, “sạch” COVID-19 đầu tiên
Sau thời gian thực hiện công năng bệnh viện “tách đôi”, vừa điều trị COVID-19 vừa khám chữa bệnh, ngày 28/9, Bệnh viện Quận 7 đã được trả lại công năng ban đầu, chính thức đón bệnh nhân thông thường quay lại điều trị. Đây được xem là “bệnh viện xanh” đầu tiên trên địa bàn TP.HCM.
Tại đây, công tác sàng lọc bệnh nhân đến khám bệnh vẫn căn cứ vào Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn của ngành y tế và một số quy định mới. Tuy nhiên, khác với trước đây, có một số đối tượng sẽ không cần khám sàng lọc trước khi vào bệnh viện như: F0 có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly, khỏi bệnh trong vòng 6 tháng; người đã tiêm 2 mũi vaccine đủ 14 ngày; có test nhanh âm tính không quá 48h và RT-PCR không quá 72h.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thế Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Quận 7, thời gian qua, toàn bộ trang thiết bị, nhân lực, vật lực đều tập trung vào công tác điều trị và cứu chữa bệnh nhân COVID-19. Vì vậy, bệnh viện phải tiến hành khử khuẩn rất nhiều lần trước khi trở lại hoạt động thăm khám thông thường. Bệnh viện đã làm rất kỹ từ việc xử lý chăn, ga, gối, nệm đến vệ sinh phương tiện vận chuyển người F0, toàn bộ bề mặt các vận dụng, thiết bị máy móc, giường bệnh. Sau đó, bệnh viện thực hiện điều chuyển, sắp xếp, tổ chức lại toàn bộ và cho vận hành thử.
Bác sĩ Nguyễn Thế Vũ cũng cho biết, hiện tại bệnh viện chỉ còn 55 bác sĩ, nhiều chuyên khoa còn chưa đầy đủ bác sĩ và nhân viên y tế, đây là một khó khăn ban đầu khi phục hồi chức năng lại.
“Một khó khăn là hiện tại bệnh viện vẫn đang điều động 65 nhân sự gồm 28 điều dưỡng, 25 bác sĩ và một số nhân sự hậu cần như dược, công nghệ thông tin đến Trung tâm Hồi sức COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ điều trị bệnh nhân. Cùng với đó, có 20 nhân sự được cử sang Bệnh viện Bạch Mai để tập huấn về công tác hồi sức. Đó cũng là một trong những bước chuẩn bị để khi bệnh viện trung ương rút thì bệnh viện Quận 7 sẽ sẵn sàng tiếp quản”, Bác sĩ Nguyễn Thế Vũ chia sẻ.
Ngoài Bệnh viện Quận 7, hiện còn có Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi cũng đã hoàn thành sứ mạng “tách đôi”, giải phóng khu nội trú (dùng để điều trị COVID), chuyển các bệnh nhân về những bệnh viện tương ứng. 4 ngày qua, bệnh viện đã tập trung khử khuẩn, sắp xếp và bố trí lại các buồng bệnh, sẵn sàng phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Ngay trong ngày 30/9, bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân thông thường qua điều trị tại khu nội trú.
Phục hồi công năng vẫn duy trì “vùng đệm” cho F0
Theo Sở Y tế TP.HCM, ngay từ khi có những tín hiệu lạc quan của việc bắt đầu kiểm soát được dịch, ngành y tế thành phố đã chuẩn bị một lộ trình phục hồi lại công năng ban đầu của các bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường cho người dân. Ngành Y tế TP xác định, lộ trình trở lại công năng ban đầu của các bệnh viện phải tích hợp một cấu trúc và quy trình hoạt động mới, đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong trạng thái bình thường mới. Đó là, bệnh viện khám, chữa bệnh đa khoa hay chuyên khoa (theo loại hình ban đầu của mỗi bệnh viện) nhưng phải luôn sẵn sàng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Lãnh đạo Bệnh viện Quận 7 cho biết, khi khám chữa bệnh trong tình hình mới, bệnh viện vẫn đảm bảo duy trì từ 10- 20 giường để tiếp nhận F0 nếu phát hiện qua sàng lọc và cách ly tạm thời. Sau khi liên hệ với địa phương của F0, nếu xác nhận đủ điều kiện cách ly tại nhà thì sẽ chuyển bệnh nhân về để địa phương giám sát, nếu không đủ điều kiện thì sẽ chuyển bệnh nhân đến bệnh viện dã chiến.
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Phương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, hiện nay, sau khi khu nội trú đã “sạch” COVID, bệnh viện sẽ tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.
“Vẫn duy trì một khu đệm để giải quyết những trường hợp có chỉ định test nhanh mà dương tính, chúng tôi sẽ giữ lại để hội chẩn với tuyến chuyên môn, sau đó chuyển đi. Trong tình hình mới sẽ tăng cường kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan trong bệnh viện. Cùng với đó phải phối hợp với địa phương, trong tình hình mới tương ứng với địa phương", Bác sĩ Nguyễn Thành Phương cho hay.
Theo Sở Y tế TP.HCM, nguyên tắc đầu tiên mà ngành y tế phải đảm bảo khi xây dựng lộ trình chuyển đổi về công năng ban đầu cho các bệnh viện, đó là trên một địa bàn quận, huyện phải luôn có sẵn phương án nơi tiếp nhận và thu dung điều trị F0 có triệu chứng. Nguyên tắc thứ hai là hạn chế việc phải chuyển F0 đi nhiều bệnh viện khác nhau. Vì vậy, ngành Y tế TP sẽ xây dựng mô hình “bệnh viện dã chiến 3 tầng” thích ứng với hoàn cảnh mới.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Những cơ sở dã chiến thu dung sẽ sắp xếp, cơ cấu lại thành bệnh viện 3 tầng. Sẽ giữ lại những bệnh viện dã chiến thu dung có gắn kết với trung tâm hồi sức, gồm Bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16".
Ngành Y tế TP.HCM cũng xác định, xây dựng hệ thống cảnh báo và ngưỡng năng lực điều trị là nhiệm vụ quan trọng song hành với lộ trình phục hồi công năng các bệnh viện. Tất cả đảm bảo hệ thống điều trị luôn phải thích ứng kịp thời với những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh./.