Bệnh viện công không thể bất bình đẳng
Xã hội luôn có người giàu, người nghèo. Người giàu ở nhà cao cửa rộng, người nghèo ở nhà tranh vách đất - đó là chuyện bình thường mặc dù chính sách phải hướng đến việc xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo quá mức. Chuyện không bình thường là bất bình đẳng trong thụ hưởng dịch vụ công như giáo dục, y tế.
Các bệnh viện công nhận tiền từ ngân sách nhà nước thì đương nhiên có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân theo mức giá do Nhà nước quy định, nhưng người giàu và người nghèo phải được quyền hưởng dịch vụ như nhau và chi trả một mức bằng nhau. Nếu bệnh viện lấy đi một phần nguồn lực của bệnh viện, gồm cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực để tổ chức loại hình dịch vụ cao rồi thu tiền thật cao từ người bệnh, đó là điều không thể chấp nhận.
Không thể chấp nhận cùng trong khuôn viên một bệnh viện công, có khu hai ba người bệnh nằm chung giường, lại có khu mỗi người bệnh nằm riêng một phòng với đầy đủ tiện nghi. Không thể biện minh rằng thu tiền người giàu để bệnh viện có tiền trang trải cho người nghèo được, vì nguồn lực bệnh viện công không thuộc về riêng ai, nó là tài sản công, tức tài sản của mọi người dân có đóng thuế. Lấy một khu làm phòng riêng cho bệnh nhân có điều kiện, tức bệnh viện đã tước đoạt cơ hội khám chữa bệnh của nhiều người khác nếu khu đó gồm các giường bệnh bình thường.
Chính vì thế vấn đề của dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo yêu cầu, do cơ sở y tế công lập cung cấp, của Bộ Y tế không nằm ở con số 4 triệu đồng/ngày cho hạng đặc biệt mà nằm ở chỗ bệnh viện công không thể chia cơ sở khám chữa bệnh của mình thành nhiều hạng như hạng đặc biệt rồi hạng 1, hạng 2. Lấy ví dụ, các bệnh viện có uy tín như Chợ Rẫy tại TPHCM, giả thử biến cả bệnh viện thành hạng đặc biệt với lý do tự chủ tài chính là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, vì người có điều kiện sẽ sẵn sàng chi trả nhiều hơn để được khám chữa bệnh tại đây. Thế nhưng điều đó có nghĩa TPHCM mất đi một bệnh viện công đúng nghĩa và nền y tế do dân, vì dân sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Mất cả một bệnh viện công hay mất một phần bệnh viện do tổ chức dịch vụ theo yêu cầu đắt tiền cũng chẳng khác gì nhau về ý nghĩa lấy mất cơ hội của người nghèo.
Hiện nay một số bệnh viện công lớn của Nhà nước được thí điểm cơ chế tự chủ hoàn toàn. Tự chủ ở đây được hiểu là hội đồng quản lý bệnh viện được quyền quyết định nhiều điều trước đây phải chờ Bộ Y tế chứ không phải tự chủ có nghĩa bệnh viện dành một phần rất lớn nguồn lực, cơ sở, con người của bệnh viện để mở dịch vụ theo yêu cầu thu tiền cao. Nguồn thu của bệnh viện phải đến từ viện phí, chủ yếu do bảo hiểm y tế chi trả; bệnh viện chỉ được phép thu cao hơn bình thường với các bệnh nhân khác tuyến. Chủ trương xã hội hóa dịch vụ y tế công đã làm méo mó tính bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế - cần phải mất một thời gian lâu mới khắc phục sự méo mó này. Nhưng mọi chủ trương mới phải đi theo hướng khắc phục sự mất bình đẳng chứ không phải tô đậm thêm nó.
Một nguyên tắc cơ bản trong khám chữa bệnh theo yêu cầu, nhằm loại trừ tính bất bình đẳng, là yêu cầu của bệnh nhân này không làm giảm đi chất lượng điều trị của bệnh nhân khác. Chẳng hạn bảo hiểm y tế chi trả ở một mức cơ bản, nếu bệnh nhân có điều kiện có thể yêu cầu một loại thuốc tốt hơn, một loại thiết bị đắt tiền hơn và chi trả phần chênh lệch. Điều đó không ảnh hưởng đến ai, nhưng yêu cầu một căn phòng riêng, đầy đủ tiện nghi, diện tích rộng rãi sẽ lấy mất diện tích sử dụng của người bệnh khác nên trở thành điều không thể đáp ứng.
Trước đó đã có nhiều ý kiến phản đối trong trường học công lập lại tổ chức những lớp chất lượng cao, dồn hết thầy cô giỏi về đó giảng dạy, dành những lớp học trang bị tốt nhất cho học sinh gia đình có điều kiện chi trả nhiều tiền hơn phụ huynh bình thường. Bởi làm như thế là tạo ra môi trường bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục công lập. Tổ chức phòng chữa bệnh giá 4 triệu/ngày cũng tương tự vậy thôi.
Xu hướng phân biệt đối xử giàu nghèo như thế cũng có nguy cơ xảy ra ở các dịch vụ công khác. Chúng ta ưu tiên cho đơn từ nộp trực tuyến có nghĩa chúng ta gạt ra rìa những gia đình không đủ điều kiện tiếp cận thành tựu của công nghệ thông tin. Dĩ nhiên phải khuyến khích độ thâm nhập của ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, nhưng luôn phải dành ra một con đường cho người nghèo, người thất thế, người chịu thua thiệt. Đó không phải lỗi của họ và nhiệm vụ của chúng ta là nâng đỡ họ lên để theo kịp bằng chính nguồn lực của Nhà nước.
Nguyễn Vũ