'Bệnh viện của thần gió' tồn tại hơn 40 năm giữa đất Hà Thành
Tồn tại gần 40 năm giữa đất Hà Thành, ngôi nhà nhỏ nằm ở đầu phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) được nhiều người biết đến với biệt danh 'Bệnh viện của thần gió' - nơi phục dựng những chiếc quạt có tuổi đời cao lên đến hàng chục năm.
Trái với không khí sống động ban đêm ở con phố “Tây” Tạ Hiện, căn nhà nhỏ tại số 2 Tạ Hiện vẫn mở cửa ban ngày để duy trì “chữa bệnh” cũng như mua bán những chiếc quạt cổ.
Được biết, “cha đẻ” của ngôi nhà chứa kỷ vật này là ông Trần Công Phúc - một người rất say mê sưu tầm và phục chế quạt cổ. Vì bạo bệnh, ông Phúc đã ra đi khoảng hơn 5 năm về trước nhưng đến nay, ngôi nhà vẫn còn nguyên những nét xưa cũ, đặc biệt là “kho báu quạt cổ” của ông được con trai là anh Trần Hồng Đức (43 tuổi) nâng niu cẩn thận.
Nối nghiệp cha vì tình yêu dành cho những chiếc quạt, Anh Đức tâm tình: “Ngày bé tôi rất thích nhìn bố mình lúc sửa chữa, phục chế quạt cổ. Việc đó phần nào đã trở thành thói quen trong tiềm thức của tôi. Mỗi lần thấy bố sửa quạt là tôi lại chạy ra quan sát thật kỹ. Bố cũng dạy tôi sửa quạt nên lúc rảnh tôi vẫn tham gia vào công việc này.”
Theo anh Đức, cha của anh không được đào tào bài bản về sửa chữa quạt nhưng ông lại sở hữu rất nhiều bí kíp "có một không hai". Đến giờ, anh Đức cũng đã "nằm lòng" những bí kíp mà bố truyền lại.
“Ngày xưa, việc phục chế lại những chiếc quạt cũ thực sự rất khó khăn và tốn nhiều thời gian, công sức vì các linh phụ kiện lắp quạt rất hiếm, thậm chí là không có. Bố tôi phải nghĩ ra cách sưu tầm nhiều loại quạt để đổi linh phụ kiện cho nhau, cái nào không đổi được thì bố đành tự chế theo mẫu cũ”, anh Đức nhớ lại.
Tuy nhiên, để “giữ lửa” với nghề, anh vẫn cần mẫn thực hiện tâm nguyện của cha mình trước khi mất, anh Đức cố gắng vừa sắp xếp công việc vừa duy trì, quản lý “bệnh viện quạt cổ”.
Anh Đức cho rằng hiện nay ở Hà Nội chỉ có khoảng 2 - 3 cửa hàng sữa chữa và phục chế quạt cổ. Cho nên, thợ sửa quạt như anh rơi vào dạng khó hiếm, bởi “không phải ai cũng có thể ngồi nhiều giờ đồng hồ để nghiên cứu cách phục chế quạt”. Đối với công việc cần sự khéo léo và tỉ mỉ này, người thợ sửa chữa phải là người thực sự yêu nghề, thậm chí nghề còn được nhận xét là khá “kén” người theo.
Sau hơn 40 năm hoạt động, “phòng khám quạt cổ” giờ đây chỉ còn lại 2 nhân công lành nghề do chính ông Nguyễn Công Phúc đào tạo.
Anh Nguyễn Văn Ngọc (38 tuổi) là nhân công lâu năm nhất tại đây tâm sự: “Tôi theo thầy Phúc đến nay là 20 năm rồi, tôi yêu nghề này lắm. Bây giờ tôi đi làm nghề khác cũng được nhưng nghĩ lại hồi xưa, thầy cho tôi cái nghề để kiếm sống thì tại sao bây giờ tôi không giúp thầy giữ nghề".
Đối với nghề mà nhiều người cho là “đi thu mua đồng nát”, việc kiên nhẫn bám trụ lại giữa xã hội phát triển hiện đại như ngày nay thực sự rất khó. Những chiếc quạt cổ không chỉ tốn nhiều thời gian phục chế mà còn tốn nhiều thời gian “đợi” khách, chờ những người thực sự yêu văn hóa xưa cũ đến tìm mua.
Nói về những khó khăn khi vừa làm vừa giữ nghề, anh Ngọc cho biết việc tốn thời gian và công sức nhất đó là tự chế linh phụ kiện lắp quạt vì những chiếc quạt đó đã ra đời từ lâu nên không còn phụ kiện để thay thế. Bên cạnh đó, việc đánh bóng, lau chùi, làm mới quạt cũ cũng không phải là điều đơn giản.
Tọa lạc tại vị trí “đắc địa”, căn nhà nhỏ của anh Đức có thể sử dụng vào mục đích khác để tăng thu nhập nhưng anh quyết tâm giữ lại để duy trì nghề. “Tôi cho thuê cũng phải được 60 triệu/tháng nhưng đây là căn nhà mà bố tôi làm nghề rất nhiều năm nên nó ý nghĩa lắm, tôi không thể bỏ nghề truyền thống của bố được”, anh Đức nhấn mạnh.
Nhìn nhận lượng khách của cửa hàng ở thời điểm hiện tại, anh Đức cho rằng quạt cổ cũng “kén” người mua bởi chi phí khá đắt đỏ. Tuy nhiên, đối với những ai thích sưu tầm và đam mê đồ cổ thì đây lại là nơi mà họ hay tìm đến.
Anh Đức cho rằng: “Quạt cổ có phần nặng và chạy tốn điện hơn nhưng bù lại rất bền, sức gió từ cánh quạt cũng mát và êm hơn rất nhiều so với quạt hiện đại. Chưa kể quạt được thiết kế theo phong cách cổ điển của châu Âu nên toát lên sự sang trọng, nhiều người mua về để trưng bày, trang trí".
Hàng ngày bên căn nhà nhỏ, anh Đức và 2 người thợ tâm huyết vẫn cặm cụi, say mê giữ nghề. “Tôi mong những nét đẹp cổ và văn hóa truyền thống sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và nhân rộng hơn nữa, đặc biệt là trong thế hệ trẻ ngày nay”, anh Đức nhắn nhủ.