Ngoài việc chăm sóc, chữa trị cho hàng trăm loài động vật hoang dã, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật còn nỗ lực để bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm, nguy cấp.
Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật là đơn vị thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Đơn vị này thực hiện công tác cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật và giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã cho người dân, du khách.
Nhiều người xem trung tâm này như “bệnh viện”, "gia đình nhỏ" của các loài động vật hoang dã. Ngoài việc chăm sóc, chữa trị cho hàng trăm loài động vật hoang dã, trung tâm còn nỗ lực để bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm, nguy cấp.
Anh Phạm Kim Vương, Trưởng bộ phận Cứu hộ sinh vật cho biết, trung tâm được chia ra nhiều phân khu với nhiệm vụ khác nhau trên diện tích hơn 8ha. Những động vật hoang dã hiện đang tiếp nhận, chăm sóc đều thuộc diện quý hiếm, nguy cấp.
Những động vật hoang dã được cứu khi mắc bẫy, người dân, cơ quan chức năng bàn giao sẽ được kiểm tra sức khỏe, cách ly theo quy định.
Sau khi cách ly, những động vật quý hiếm này được chuyển vào khu chăm sóc, phục hồi tập tính tự nhiên (trong hình là các thể linh trưởng bị thương, mất một chi vì bẫy thú đang được chăm sóc tại trung tâm).
Chị Trần Thị Lê, nhân viên Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật cho biết, công việc ở đây không nhàn rỗi như nhiều người nghĩ. Từ sáng sớm, cả khu vực náo động bởi tiếng kêu của mấy con khỉ, tiếng gà gáy... Như thế các nhân viên, cán bộ lại tất bật chuẩn bị khẩu phần cho các loài, dọn vệ sinh chuồng trại... Quá trình đó phải theo dõi kỹ những động vật để có phương án kịp thời nếu chúng bị bệnh.
Cán bộ, nhân viên của trung tâm luôn đối mặt với nguy cơ bị thú tấn công gây thương tích. Vậy nên việc hiểu được tập tính của mỗi loài, đầu tư nhiều công sức và tình cảm để cứu chữa, chăm sóc là rất quan trọng. "Một số loài như rắn hổ mang, hổ, gấu, khỉ, vượn... khi thấy người, chúng luôn cảnh giác và sẵn sàng lao vào tấn công. Ngoài ra, một số con vật rất dễ lây bệnh chéo cho loài khác và người tiếp xúc nên cũng cần có các biện pháp tự bảo vệ. Nhưng vì sự sống của các loài vật chúng tôi cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ", ông Trần Ngọc Anh Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật chia sẻ.
Trong hình là cá thể đại bàng bụng trắng được cứu hộ và chăm sóc tại trung tâm.
Hiện Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật đang chăm sóc 5 cá thể chim Hồng Hoàng. Hồng Hoàng thường sinh sống trong các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Kích thước to lớn và màu sắc đầy ấn tượng của chúng đã góp phần làm cho chúng trở thành một phần trong văn hóa và nghi lễ của một số các bộ lạc địa phương. Hồng hoàng sống khá thọ với tuổi thọ đạt tới 50 năm trong điều kiện nuôi nhốt. Đây là loài chim được đánh giá là sắp nguy cấp trong sách đỏ của IUCN (Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên) do tình trạng săn bắn trái phép để bán mỏ sừng của chúng.
Gà lôi trắng là một trong những giống gà quý hiếm và thuộc vào loại “cực đẹp” ở Việt Nam bên cạnh gà lôi tía, gà tra hay gà lôi Beli. Các loài gà này đang nằm trong danh sách đỏ, quý hiếm của Việt Nam cần được bảo tồn và duy trì nòi giống.
Chim Công được xếp vào nhóm 2B (động vật đặc biệt quý hiếm, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).
Video: Những động vật quý hiếm, nguy cấp được chăm sóc dưới tán rừng Phong Nha.