Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của ngành Y tế

Tại lễ trao Giải thưởng chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam (Vietnam Digital Awards) năm 2024 do Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes vừa tổ chức, Ban tổ chức đã vinh danh 45 tổ chức, giải pháp CĐS xuất sắc trong toàn quốc. Vượt qua hàng trăm đơn vị, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đã giành giải ở hạng mục Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp CĐS xuất sắc với giải pháp

Tại lễ trao Giải thưởng chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam (Vietnam Digital Awards) năm 2024 do Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes vừa tổ chức, Ban tổ chức đã vinh danh 45 tổ chức, giải pháp CĐS xuất sắc trong toàn quốc. Vượt qua hàng trăm đơn vị, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình đã giành giải ở hạng mục Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp CĐS xuất sắc với giải pháp "Bệnh án điện tử (EMR) thay thế hồ sơ bệnh án giấy". BVĐK tỉnh là đơn vị tiên phong trong thực hiện CĐS của ngành Y tế Hòa Bình.

Cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh ứng dụng bệnh án điện tử, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh ứng dụng bệnh án điện tử, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: CĐS đã mang lại cho bệnh viện diện mạo mới trong công tác quản lý cũng như công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Chúng tôi rất vinh dự khi một bệnh viện tỉnh miền núi phía Bắc nhận được giải thưởng về CĐS. Từ khi bệnh viện tập trung, quan tâm thực hiện CĐS trong khám, chữa bệnh (KCB) đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

BVĐK tỉnh hiện có 850 giường bệnh, mỗi ngày đón tiếp, khám và điều trị cho khoảng 900 - 1.000 bệnh nhân ngoại trú và gần 1.000 bệnh nhân nội trú. Số lượng hồ sơ bệnh án, văn bản thể hiện kết quả xét nghiệm, chụp chiếu, y lệnh, đơn thuốc… trong ngày rất nhiều. Khi chưa có bệnh án điện tử (BAĐT), các thủ tục KCB mất nhiều thời gian, gây bức xúc cho người bệnh.

Trước thực tế đó, năm 2021, bệnh viện có chủ trương về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong KCB giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ dự án "Đầu tư, nâng cấp hệ thống CNTT phục vụ hoạt động quản lý, KCB của BVĐK tỉnh năm 2021 - 2022”. Phấn đấu đưa mức ứng dụng CNTT tại bệnh viện đạt mức 6, tiệm cận mức 7, hoàn thành BAĐT chậm nhất vào năm 2023. Phấn đấu đạt các tiêu chí bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ vào năm 2025. BVĐK tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT trong hoạt động KCB. Đến nay, 100% khoa, phòng được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ, mạng internet. Các hệ thống phần mềm HIS, LIS, PACS và phần mềm hỗ trợ khác được triển khai lắp đặt và đưa vào sử dụng. Song song với đó, bệnh viện đẩy mạnh triển khai hồ sơ BAĐT, hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử, KCB từ xa và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong KCB.

Ngày 20/11/2022, Hội đồng gồm các chuyên gia về lĩnh vực CNTT Y tế, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, Sở Y tế, BHXH tỉnh đánh giá, thẩm định BVĐK tỉnh đủ điều kiện triển khai hồ sơ BAĐT và thay thế bệnh án giấy. Bệnh viện là đơn vị đầu tiên của ngành Y tế tỉnh Hòa Bình được công nhận đạt yêu cầu triển khai hồ sơ BAĐT. Từ ngày 1/1/2023, BVĐK tỉnh đã triển khai hồ sơ BAĐT thay thế hoàn toàn hồ sơ bệnh án giấy.

Sản phẩm BAĐT khẳng định những nỗ lực từ Ban Giám đốc cùng cán bộ, viên chức BVĐK tỉnh đã cho thấy hiệu quả và hướng đi là đúng đắn. Người bệnh khi đến khám, điều trị được lập 1 mã số định danh y tế. Các kết quả khám, siêu âm, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, diễn biến tình trạng bệnh, phương pháp điều trị, đơn thuốc, lịch tái khám đều được xác nhận trên hệ thống máy tính và lưu trữ tại kho dữ liệu của bệnh viện. Người bệnh mạn tính có thể chủ động quẹt thẻ KCB tại kios lấy số tự động rồi thực hiện lấy máu xét nghiệm, giảm thời gian xếp hàng, chờ đợi.

Đối với bệnh viện, lãnh đạo các khoa, phòng kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động chuyên môn sát sao, thuận lợi, bài bản hơn. Việc áp dụng BAĐT cũng đặt ra yêu cầu đòi hỏi đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ bệnh viện phải nâng cao tinh thần y đức, ý thức trách nhiệm, đảm bảo tính liên thông trong công việc. Điều dưỡng thay vì dành 60% thời gian trong ngày cho công việc hành chính đã được rút gọn, không cần ghi tay và chép vào sổ. Trước đây, hồ sơ bệnh án giấy phải được lưu trữ ít nhất 10 năm, thậm chí 15 - 20 năm theo quy định pháp luật, dẫn đến tốn kém trong việc làm kho lưu trữ. Khi cần kiểm tra lại bệnh án, việc tìm kiếm trong kho rất vất vả và tốn thời gian. Với BAĐT, bệnh viện tiết kiệm chi phí xây kho lưu trữ, tiết kiệm giấy, phim mà vẫn dễ dàng tìm thông tin người bệnh.

Việc ứng dụng công nghệ số tại BVĐK tỉnh đã trở thành công cụ hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giúp quy trình KCB được thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng, đồng bộ. Qua đó nâng cao thương hiệu bệnh viện, trở thành địa chỉ tin cậy trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/194510/benh-vien-da-khoa-tinh-don-vi-tien-ph111ng-tr111ng-chuyen-doi-so-cua-nganh-y-te.htm