Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa: 'Hành trình thế kỷ' của sự đổi mới và sáng tạo không ngừng
Với dấu mốc tròn 120 năm ra đời, xây dựng và phát triển, được xem như là 'hành trình thế kỷ' không ngừng đổi mới, sáng tạo cả trong tư duy lẫn hành động của nhiều thế hệ lãnh đạo, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Một ca ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
“Đón đầu” các kỹ thuật mới
Có thể khẳng định, việc đưa vào ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao và khó trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh, là một thành tựu đáng tự hào của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Đây là bước tiến quan trọng, góp phần khẳng định sự phát triển chuyên sâu của y tế tỉnh nhà; cũng đồng thời là nhiệm vụ xuyên suốt, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là giành lại sức khỏe, sự sống cho con người. Trong đó phải kể đến thành tựu nổi bật ở lĩnh vực ngoại khoa là những kỹ thuật cao, chuyên sâu, phức tạp được thực hiện thường quy ở tất cả các chuyên khoa. Điển hình như: Phẫu thuật nội soi với can thiệp xâm lấn tối thiểu; phẫu thuật cột sống, kết xương phức tạp, thay khớp nhân tạo, phẫu thuật cắt dạ dày toàn bộ, cắt khối u trung thất, u phổi, u màng ngoài tim, mổ tim hở và nội soi. Gần đây là phẫu thuật nội soi thay van tim nhân tạo, thay đoạn động mạch chủ, làm cầu nối động mạch vành...
Đặc biệt, trong lĩnh vực ghép tạng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là bệnh viện tuyến tỉnh thứ 2 của cả nước được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống và người cho chết não (vào tháng 6 - 2018).
Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công 9 ca ghép thận từ người cho sống cùng huyết thống, khác huyết thống, từ người cho chết não và đã áp dụng ngay kỹ thuật lấy thận người cho bằng phương pháp nội soi, trở thành Bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận trên người cho chết não. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng, khẳng định sự phát triển y tế chuyên sâu của ngành y tế nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Cùng với đó, lĩnh vực nội khoa và can thiệp cũng cũng bước phát triển vượt bậc, với việc áp dụng các kỹ thuật và tiến bộ mới trong điều trị và can thiệp nội khoa. Từ đó, góp phần làm cho khoảng cách giữa nội khoa và ngoại khoa ngày càng xích lại gần hơn.
Đặc biệt, nhiều bệnh lý trước đây chỉ có thể giải quyết bằng phẫu thuật ngoại khoa, thì nay phần lớn có thể chỉ cần điều trị nội khoa và can thiệp, như: Nút mạch, vi sóng điều trị khối u, bít dù các lỗ thông trong bệnh tim bẩm sinh, tiêu sợi huyết, can thiệp mạch não lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học Soliter giải thoát di chứng liệt cho bệnh nhân nhồi máu não, đặt coil điều trị túi phình mạch não; chụp và can thiệp đặt stent động mạch vành, thăm dò điện sinh lý tim và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần RF; bơm xi măng cột sống điều trị bệnh lý cột sống; giảm đau theo mô hình Nhật Bản....
Nhờ thành quả ấy mà trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID - 19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là Bệnh viện tuyến tỉnh tiên phong, điều trị khỏi cho 1 trong 3 người Việt Nam đầu tiên nhiễm COVID - 19.
1 trong 3 người Việt Nam đầu tiên nhiễm COVID - 19 và là ca bệnh đầu tiên người Việt Nam được điều trị khỏi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Đối với lĩnh vực cận lâm sàng, Bệnh viện đã đầu tư, lắp đặt nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại đáp ứng việc chẩn đoán và điều trị chất lượng cao như: Hệ thống máy đông máu tự động, máy phân tích huyết học tự động, hệ thống máy xét nghiệm miễn dịch điện hóa phát quang tự động, hệ thống labo trung tâm hóa sinh cao cấp Cobas 8000, xét nghiệm các marker ung thư, máy cấy máu tự động, hệ thống máy định danh vi khuẩn nhanh và kháng sinh đồ tự động, hệ thống nột soi ống mềm chẩn đoán và can thiệp điều trị, hệ thống máy siêu âm Doppler màu, siêu âm tim qua thực quản, máy chụp vú Mammography, máy chụp cắt lớp vi tính CT- Scanner và máy chụp cắt lớp đa dãy đầu dò MSCT-128 lát cắt, 2 hệ thống chụp mạch kỹ thuật số DSA, máy chụp cộng hưởng từ MRI, thiết bị chẩn đoán tế bào và tổ chức học, phát hiện sớm ung thư, máy xét nghiệm hóa mô miễn dịch, máy chụp đáy mắt võng mạc.
Nhờ việc trang bị, lắp đặt các thiết bị này mà hàng loạt kỹ thuật xét nghiệm chuyên sâu về hóa sinh, huyết học, sinh học phân tử, vi sinh được triển khai ứng dụng, góp phần giúp thầy thuốc giải mã được những căn bệnh phức tạp, tìm kiếm phát hiện sớm những bệnh tật khi chưa có triệu chứng lâm sàng.
Gần đây trong bối cảnh đại dịch COVID - 19, Bệnh viện cũng đã khẩn trương triển khai phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 chung tay cùng cả tỉnh phòng chống dịch.
Cuối năm 2019 phòng xét nghiệm Khoa Hóa sinh, Trung tâm Huyết học - Truyền máu và Vi sinh đã đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012. Đây là bước chuyển biến mạnh mẽ góp phần khẳng định chất lượng, uy tín, vị thế và và thương hiệu Bệnh viện.
Trung tâm Huyết học - Truyền máu và Vi sinh đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012.
Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
Để có vị thế, diện mạo như hiện nay, theo Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ CK2 Lê Văn Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, là nhờ Bệnh viện đã vững tin tiếp nối truyền thống đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, hội nhập, phát triển; không ngừng cải tiến chất lượng bệnh viện; đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Bệnh viện luôn xác định, để đáp ứng được nhu cầu về chất lượng chăm sóc người bệnh ngày càng cao của Nhân dân trong và ngoài tỉnh, yếu tố quan trọng nhất là đầu tư về con người.
Ngoài tăng cường giáo dụcchính trị - tư tưởng, nhận thức cho cán bộ, viên chức, bệnh viện luôn động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn tại các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước; cử cán bộ đi học tập chuyển giao các gói kỹ thuật cao ở các bệnh viện tuyến trung ương.
Với phương châm phục vụ “Nhanh chóng - thuận tiện - chính xác - hiệu quả”, “Lấy người bệnh là trung tâm”, “Đổi mới phong cách phục vụ, đẩy mạnh phát triển y tế chuyên sâu” và tinh thần làm việc “Hết việc - Hết giờ”, Bệnh viện đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu, có cơ sở vật chất hạ tầng khang trang, trang thiết bị y tế hiện đại, đạt được nhiều thành công trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các sáng kiến, cải tiến trong khám chữa bệnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Trong 5 năm qua Bệnh viện luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có 555 đề tài nghiên cứu khoa học, 80 sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị thực tiễn, trong đó có 2 đề tài đa quốc gia, 2 đề tài cấp quốc gia, 2 đề tài cấp bộ, 7 đề tài cấp tỉnh ở nhiều lĩnh vực chuyên khoa được nghiệm thu và đưa vào áp dụng trong thực tiễn hiệu quả…
Với kết quả đạt được, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, năm 2020 Bệnh viện vinh dự được Hội đồng thi đua - khen thưởng cấp tỉnh đề xuất Hội đồng thi đua - khen thưởng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.
Phát huy kết quả đã đạt được, từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn, thời gian tới Bệnh viện tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không ngừng phát triển y tế chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới mục tiêu xây dựng Bệnh viện từng bước hiện đại hóa, đạt các tiêu chí của bệnh viện hạng đặc biệt, là Trung tâm khám, chữa bệnh chất lượng cao của tỉnh và khu vực.
Nhiều kỹ thuật chuyên sâu được triển khai ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa giúp người dân được cung cấp dịch vụ y tế chất lượng ngay tại địa phương.
Có thể nói với sự nỗ lực không ngừng và một tập thể đoàn kết đồng lòng từ Đảng ủy, Ban giám đốc, lãnh đạo các khoa, phòng, bộ phận cùng toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã được các cấp, ngành đánh giá cao, người bệnh, thân nhân người bệnh, Nhân dân trong và ngoài tỉnh tin tưởng, xứng đáng là Bệnh viện Đa khoa hạng I tuyến cuối của tỉnh và là một điểm sáng y tế mang tầm khu vực.