Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên: Làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân
Với tinh thần y đức của người thầy thuốc, cán bộ viên chức, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Trụ sở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên
Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, cơ cấu tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn, ổn định. Tình hình cung ứng dịch vụ cơ bản đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Hiện tại bệnh viện được Sở Y tế giao 1.130 giường bệnh, tuy nhiên thời gian gần đây số bệnh nhân nội trú tăng lên 1.600 đến 1.700 bệnh nhân mỗi ngày. Tháng 10/2019 Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk căn cứ tình hình thực tế, chuẩn bị nâng cấp thêm Trung tâm Ung bướu 400 giường. Vì vậy Sở Y tế đã quyết định giao bệnh viện 1.530 giường để đáp ứng nhu cầu điều trị của nhân dân Tây Nguyên. Tổng số cán bộ, CNVC hiện là 1368 người, trong đó biên chế là 851 người (chiếm 62,2%), hợp đồng là 517 (chiếm 37,8%). Đạt tỷ lệ 1,2 công chức viên chức/giường bệnh, luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, bệnh viện còn có 6 hội đồng được thành lập để tư vấn và giúp việc cho giám đốc gồm: Hội đồng thuốc và điều trị; Khoa học và công nghệ; Quản lý chất lượng; Kiểm soát nhiễm khuẩn; Điều dưỡng và Hội đồng người bệnh.
Đặc biệt, công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên luôn tiếp nhận và cấp cứu kịp thời tất cả các trường hợp được chuyển đến. Ban Giám đốc bệnh viện luôn quán triệt đội ngũ cán bộ viên chức cấp cứu phải thường xuyên có mặt tại vị trí để tiếp nhận bệnh, xử lý kịp thời tất cả các trường hợp cấp cứu tại khoa, hạn chế người nhà vào phòng bệnh, không để xảy ra tai biến do thiếu tinh thần trách nhiệm. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu phải nhanh chóng chuyển mổ ngay khi toàn trạng cho phép. Luôn đảm bảo nhân lực 24/24, nhân viên trực dự bị luôn sẵn sàng khi có lệnh điều động; luôn đảm bảo cơ số thuốc, trang thiết bị, y dụng cụ phục vụ công tác chuyên môn tại khoa cấp cứu và cấp cứu ngoại viện. 6 tháng đầu năm 2019, bệnh viện đã thành lập 17 lượt đội cấp cứu ngoại viện phục vụ tốt các sự kiện trọng đại của tỉnh, bảo đảm an toàn, kịp thời, không để xảy ra chậm trễ, sai sót. Bệnh viện cũng đã cấp cứu 29.233 trường hợp, đạt 44.3% so với kế hoạch.
Bá sĩ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên
Bên cạnh đó, hoạt động khám chữa bệnh cũng đã được cải tiến, giảm thời gian chờ đợi, giảm thủ tục hành chính. Việc tiếp nhận, lưu giữ và trả thẻ BHYT của người bệnh đã được cải tiến,bệnh nhân không còn phải photocopy thẻ BHYT và các loại giấy tờ khác. Giải quyết đúng chế độ chính sách cho các đối tượng đến khám, chữa bệnh theo Luật khám chữa bệnh, Luật BHYT. Tổ chức tiếp dân, khảo sát sự hài lòng của người bệnh và họp hội đồng người bệnh cấp khoa, cấp bệnh viện đúng theo qui định để lắng nghe ý kiến đóng góp của người bệnh/thân nhân người bệnh, qua đó kịp thời khắc phục và sửa chữa những mặt còn hạn chế.
Ngoài ra, nhờ triển khai kịp thời và thực hiện có hiệu quả các hoạt động về lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh, nhất là làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức điều tra giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm và các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Sởi nên 6 tháng đầu năm tình hình dịch bệnh ổn định. Chuẩn bị đầy đủ thuốc điều trị, hóa chất sát khuẩn, trang bị phòng hộ, trang thiết bị y tế và sẵn sàng ứng phó với dịch. Triển khai các hoạt động phát hiện sớm những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ. Tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng để sàng lọc bệnh Sởi, nghi Sởi. Tổ chức tốt công tác tiếp nhận, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết. Chỉ định điều trị nội trú những trường hợp nặng theo đúng hướng dẫn để tránh quá tải, lây chéo trong bệnh viện. Thực hiện tốt việc cách ly, điều trị tích cực, hạn chế tử vong ở mức thấp nhất. Tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật và triển khai các phác đồ điều trị…
Ca phẫu thuật nối thành công 2 cẳng chân bị chém đứt lìa cho một nam thanh niên tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (ảnh Báo Đắk Lắk)
Nhằm tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đã tổ chức nhiều lớp học, lớp tập huấn cho nhiều đối tượng cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện với các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Phối hợp với trường Đại học Buôn Ma Thuột tổ chức đào tạo và cấp chứng nhận đào tạo liên tục về công tác “Chăm sóc người bệnh toàn diện” và “An toàn người bệnh” theo chương trình của Bộ Y tế cho Điều dưỡng của các huyện. Tổ chức tập huấn về chương trình “Tăng cường năng lực Quản lý điều dưỡng cho đội ngũ điều dưỡng trưởng. Gồm 01 lớp với 43 học viên. Tập huấn cập nhật bệnh sởi cho 60 bác sỹ và điều dưỡng. Đào tạo cho 19 cán bộ (17 BS, 02 Y sĩ) của các BVĐK huyện Krông Ana,Cư Mgar, Krông Bông, 333,BV Nhi Tâm Đức, BV Thiện Hạnh, Trung tâm Pháp y, Y học cổ truyền, Đại học Tây Nguyên.
Đặc biệt Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên còn thường xuyên tổ chức hội thảo khoa học phát triển kỹ thuật y học, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Năm 2019, bệnh viện được Sở Y tế cho phép triển khai thí điểm 06 kỹ thuật mới, phương pháp mới: Đặt catheter hai nòng có cuff, tạo đường hầm để lọc máu; Khai thông mạch não bằng điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong nhồi máu não cấp (khoa HSTC-CĐ). Phẫu thuật nội soi điều trị mất vững khớp vai; Phẫu thuật nội soi điều trị rách sụn viền trên từ trước ra sau; Phẫu thuật nội soi điều trị viêm co rút khớp vai; Phẫu thuật nội soi khâu chóp xoay (khoa CTCH).
Công tác dược và công tác kiểm nghiệm được thực hiện nghiêm túc và theo đúng quy định của pháp luật. Bảo đảm việc cung ứng đầy đủ thuốc, kịp thời vật tư y tế, hóa chất để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Việc đưa thuốc đến khoa lâm sàng (Trừ khoa Cấp cứu và YHCT) đạt chỉ tiêu đề ra; Công tác pha chế nước cất, dd NaCl 0,9%, cồn 700đạt số lượng, chất lượng. Theo dõi và báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) cho cấp trên. Kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc tại các khoa lâm sàng, đặc biệt các thuốc có giới hạn chỉ định, tỷ lệ và điều kiện thanh toán, giảm thiểu tình trạng bị Bảo hiểm y tế từ chối thanh toán chi phí thuốc, vật tư tiêu hao trong điều trị. Trang thiết bị y tế luôn được bảo dưỡng định kỳ, hàng tháng tổng hợp điều chỉnh kịp thời các dự trù vật tư tiêu hao, đáp ứng kịp thời phục vụ cho người bệnh.
Người dân thăm khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, (ảnh Báo Đắk Lắk)
Bệnh viện đã từng bước thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đưa chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng tốt hơn, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh; ban hành các quy trình chuyên môn; đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới theo đề án 1816,... Góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, công tác điều dưỡng, quản lý chất thải, công tác xã hội từ thiện cũng đặc biệt được chú trọng, quan tâm thực hiện nghiêm túc có hiệu quả.
Kết quả tự kiểm tra chất lượng Bệnh viện 6 tháng đầu năm 2019 đạt 82/83 tiêu chí, chiếm 98,8%. Mức độ hài lòng người bệnh và nhân viên y tế 6 tháng đầu năm 2019 tăng ở cả bệnh nhân điều trị nội trú, ngoại trú và nhân viên y tế.
Những kết quả trên đã cho thấy sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của tập thể cán bộ, viên chức biệt Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Không những thực hiện tốt sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân mà bệnh viện còn khẳng định là địa chỉ tin cậy của nhân dân trong vùng.