Bệnh viện Dải Gaza thiếu thuốc mê vì xung đột kéo dài
Một bé gái khóc lóc trong đau đớn và hét lên 'Mẹ ơi, mẹ ơi' khi được y tá 'khâu sống' vết thương ở đầu vì bệnh viện Al Shifa ở thành phố Gaza không còn thuốc mê.
Đó là một trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất đối với y tá Abu Emad Hassanein khi anh và các đồng nghiệp hằng ngày phải đối phó với tình trạng quá tải bệnh nhân và thiếu thuốc giảm đau vì cuộc xung đột bùng phát ở Dải Gaza cách đây một tháng.
Hassanein cho biết: “Đôi khi chúng tôi đưa cho họ một số miếng gạc vô trùng để cắn cho bớt cảm giác đau đớn.”
“Chúng tôi biết rằng nỗi đau mà các em nhỏ đang trải qua lớn hơn những gì mọi người có thể tưởng tượng, vượt xa những gì mà một em nhỏ ở độ tuổi đó có thể chịu đựng được”, nam y tá nói.
Đến Al Shifa để thay băng và bôi thuốc khử trùng cho vết thương trên lưng gây ra bởi một vụ không kích, Nemer Abu Thair - một người đàn ông trung niên - cho biết ông không được dùng thuốc giảm đau trong quá trình khâu ban đầu. “Tôi liên tục đọc Kinh Koran cho đến khi họ khâu xong”, ông nhớ lại.
Cuộc xung đột bùng phát vào ngày 7/10 khi các tay súng Hamas xông vào hàng rào biên giới của Dải Gaza với miền nam Israel, khiến 1.400 cư dân nước này thiệt mạng và 240 người bị bắt cóc.
Israel sau đó đáp trả bằng một cuộc tấn công trên không, trên biển và trên bộ vào Dải Gaza. Các quan chức y tế địa phương cho biết làn sóng không kích đã khiến hơn 10.800 người Palestine thiệt mạng.
Mohammad Abu Selmeyah, giám đốc Bệnh viện Al Shifa, cho biết khi nhiều người bị thương được đưa đến cùng lúc, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sơ cứu họ trên sàn dù không có thuốc giảm đau phù hợp.
Ông viện dẫn ví dụ về hậu quả ngay sau vụ nổ tại bệnh viện Ả-rập Al Ahli vào ngày 17/10, khi ông cho biết khoảng 250 người bị thương đã đến bệnh viện Al Shifa, nơi chỉ có 12 phòng mổ.
Abu Selmeyah nói: “Nếu chúng tôi chờ đợi để phẫu thuật từng người một, thì sẽ rất nhiều người không qua khỏi. Chúng tôi buộc phải phẫu thuật trên mặt đất và không được gây mê, hoặc sử dụng thuốc gây mê nhẹ, thuốc giảm đau nhẹ. Việc này được áp dụng với cả những bệnh nhân phải khâu hay điều trị vết bỏng nặng.”
"Thật đau đớn cho đội ngũ y tế. Không đơn giản. Hoặc là bệnh nhân phải chịu đau đớn hoặc mất mạng", ông nói.
Tại Bệnh viện Nasser ở Khan Younis, phía nam Dải Gaza, giám đốc Mohammad Zaqout cho biết đã có giai đoạn nguồn cung cấp thuốc gây mê cạn kiệt hoàn toàn, cho đến khi xe tải viện trợ được phép vào Dải Gaza.
“Một số thủ thuật được thực hiện mà không gây mê, bao gồm cả mổ lấy thai cho phụ nữ và chúng tôi cũng buộc phải phẫu thuật trên một số vết bỏng trong tình trạng đó”, Zaqout nói.
Ông cho biết các nhân viên đã cố gắng hết sức để giảm bớt cơn đau của bệnh nhân bằng các loại thuốc khác yếu hơn, nhưng điều này vẫn chưa đủ.
“Đây không phải là giải pháp lý tưởng cho một bệnh nhân trong phòng mổ, những người mà chúng tôi muốn phẫu thuật với sự gây mê hoàn toàn”.
Trong 12 ngày đầu tiên của cuộc xung đột, không có đoàn xe viện trợ nào được phép vào Gaza. Ngày 21/10, đoàn xe tải viện trợ đầu tiên đã đi qua cửa khẩu Rafah trên biên giới Dải Gaza với Ai Cập. Kể từ đó, một số đoàn xe khác cũng đã được thông quan, nhưng Liên Hợp Quốc và các nhóm cứu trợ quốc tế cho biết số viện trợ này chưa đạt đến quy mô cần thiết để giảm thiểu thảm họa nhân đạo.
Zaqout nói thêm rằng mặc dù việc thiếu thuốc gây mê đã giảm bớt tại bệnh viện của ông nhờ hàng viện trợ, nhưng ở bệnh viện Al Shifa và bệnh viện Indonesia, cả hai đều nằm ở phía bắc Dải Gaza, tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện.