Bệnh viện đầu tiên ở miền Tây triển khai kỹ thuật xóa cận thị vĩnh viễn

Ưu điểm của phương pháp Phakic ICL so với các phương pháp thông thường là điều trị được cận thị nặng,  không làm mỏng giác mạc, thấu kính được chế tạo riêng cho từng bệnh nhân và đặc biệt là không tái cận.

Chiều 19-9, tin từ Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ, cho biết nơi đây là đơn vị đầu tiên tại ĐBSCL và là đơn vị thứ 5 trên cả nước chính thức triển khai phương pháp kỹ thuật cao Phakic ICL điều trị tật khúc xạ cho nhóm hiếm gặp. Trong tháng 9 này, bệnh viện đã thực hiện điều trị thành công cho 5 bệnh nhân với độ cận hiếm gặp.

BS.CKII Trần Văn Kết thực hiện đo khám cho bệnh nhân phẫu thuật Phakic ICL

BS.CKII Trần Văn Kết thực hiện đo khám cho bệnh nhân phẫu thuật Phakic ICL

Phakic ICL là phương pháp phẫu thuật đặt thấu kính nội nhãn để điều trị tật khúc xạ. Thấu kính này với thông số được "cá nhân hóa" theo độ khúc xạ và kích thước bên trong mắt của người bệnh sẽ được đặt vào vị trí sau mống mắt, trước thủy tinh thể. Đây là phương pháp phẫu thuật tối ưu dành cho những bệnh nhân bị cận loạn cao từ 8-9 diop trở lên hoặc giác mạc mỏng.

Bác sĩ kiểm tra các chỉ số về mắt trước phẫu thuật Phakic ICL cho bệnh nhân

Bác sĩ kiểm tra các chỉ số về mắt trước phẫu thuật Phakic ICL cho bệnh nhân

Các bệnh nhân bị tật khúc xạ với độ cận loạn cao, giác mạc mỏng đã được Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ tư vấn, tiến hành đặt kính và phẫu thuật Phakic ICL để phục hồi thị lực cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật 1 ngày, các bệnh nhân đã phục hồi thị lực rất tốt (có bệnh nhân cận thị -16 diop đã phục hồi thị lực 9/10) và sinh hoạt bình thường.

Kính dùng trong phương pháp Phakic ICL được đặt hàng từ hãng sản xuất gửi về Việt Nam

Kính dùng trong phương pháp Phakic ICL được đặt hàng từ hãng sản xuất gửi về Việt Nam

Phương pháp Phakic ICL thuộc nhóm kỹ thuật cao nhất trong các phương pháp điều trị cận-viễn-loạn với chất lượng hiệu quả cao, vì vậy đòi hỏi sự khắt khe trong chuyên môn cao của bác sĩ cũng như ê-kíp thực hiện.

Trước khi tiến hành phẫu thuật đặt kính nội nhãn, bệnh nhân sẽ được đo các chỉ số rất kỹ lưỡng, từ việc kiểm tra các chỉ số cận, loạn thông thường đến các chỉ số về độ rộng của góc tiền phòng, chỉ số góc mắt, chỉ số độ dày mỏng của giác mạc, đến những chỉ số liên quan tính chất lồi lõm của bề mặt giác mạc… bằng các thiết bị chuyên dụng.

Sau đó, các chỉ số đó sẽ được gửi đến hãng chuyên sản xuất thủy tinh thể nhân tạo tại Mỹ, thực hiện đặt hàng kính riêng cho bệnh nhân. Kính được đặt riêng này chỉ sử dụng duy nhất đúng bệnh nhân, mà không thể thay thế cho bệnh nhân khác được. Thông thường, thời gian chờ kính về Việt Nam sẽ mất từ 3 – 6 tuần. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật phương pháp Phakic ICL điều trị tật khúc xạ cho nhóm bệnh nhân hiếm gặp này.

Bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ vừa hoàn thành công đoạn đặt kính vào mắt của bệnh nhân bằng phương pháp Phakic ICL (trong quá trình phẫu thuật)

Bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ vừa hoàn thành công đoạn đặt kính vào mắt của bệnh nhân bằng phương pháp Phakic ICL (trong quá trình phẫu thuật)

Ưu điểm của phương pháp Phakic ICL so với các phương pháp thông thường là điều trị được cận thị nặng (lên đến -18 diop), điều chỉnh độ loạn thị (lên đến -6 diop), linh hoạt khi có thể sử dụng thấu kính trong thời gian dài hoặc tháo ra khi cần thiết qua can thiệp phẫu thuật, không làm mỏng giác mạc, thấu kính được chế tạo riêng cho từng bệnh nhân và đặc biệt là không tái cận.

TÂM QUÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/benh-vien-dau-tien-o-mien-tay-trien-khai-ky-thuat-xoa-can-thi-vinh-vien-20200919150312152.htm