Bệnh viện giảm 'nhiệt' nhờ Nghị định 100
ĐBP - Sau hơn một tháng triển khai Nghị định 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 100), từ ngày 1/1/2020, đến nay ngành Y tế tỉnh đã phần nào giảm được áp lực nhờ số ca nhập viện do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia và các ca ngộ độc rượu giảm hẳn.
Các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.
Thống kê của Bệnh viện Ða khoa tỉnh, so với thời điểm cùng kỳ trước khi Nghị định 100 có hiệu lực, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông có sử dụng rượu bia giảm đáng kể. Cụ thể, tính riêng trong tháng 1/2019, tổng số bệnh nhân có sử dụng rượu bia vào viện là 19 người; tháng 1/2020, là 11 người (giảm 42,11%). Trong khi tháng 1/2019 có 3 người tử vong do tại nạn giao thông có sử dụng rượu bia thì tháng 1/2020 giảm còn 1 người; chấn thương sọ não có sử dụng rượu bia tháng 1/2019 là 7 người, tháng 1/2020 giảm còn 4 người; ngộ độc rượu từ 4 ca giảm còn 2 ca; tai nạn sinh hoạt có sử dụng rượu bia từ 10 ca giảm còn 4 ca…
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) cho biết: Kể từ ngày 1/1/2020, áp dụng Nghị định 100, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, số ca nhập viện do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia giảm trên 70%. Tính riêng trong một tuần (từ ngày 28 tháng chạp đến ngày mùng 5 tết Nguyên đán năm 2019) có tổng số 61 ca nhập viện do tại nạn giao thông (trong đó 11 ca sử dụng rượu, bia) thì tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, số ca nhập viện do tai nạn giao thông giảm còn 40 ca (trong đó, 3 ca sử dụng rượu, bia). Ðặc biệt, những năm trước có nhiều ca bệnh nhân trẻ, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nặng do tai nạn giao thông có sử dụng rượu bia thì năm nay không còn. Bệnh nhân giảm đáng kể, áp lực cho các bác sĩ trong ca trực cũng đỡ hơn. Ðiều này chứng tỏ Nghị định 100 đã tạo chuyển biến, làm thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là trong việc bảo vệ sức khỏe.
Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020. Quy định chỉ cần có nồng độ cồn trong máu vượt 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 600.000 đồng; xe máy từ 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; ô tô từ 30 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng. Anh Nguyễn Văn Thể, chủ cơ sở kinh doanh nhôm, kính trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Tôi rất đồng tình với Nghị định 100 của Chính phủ. Vì đã sử dụng rượu bia mà điều khiển xe lưu thông trên đường thì rất nguy hiểm, không chỉ cho bản thân mà cho cả những người tham gia giao thông khác. Do đặc thù công việc nên tôi cũng phải tiếp khách hàng thường xuyên; nhiều khi thông qua các cuộc rượu để đàm phán công việc, ký kết hợp đồng. Bởi thế nên mặc dù có ô tô riêng nhưng mỗi khi đi uống rượu tôi đều gọi taxi.
Ông Phạm Văn Mẫn, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh cho biết: Nghị định 100 đã bắt đầu đi vào cuộc sống; đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tôi tin tưởng thời gian tới, Nghị định 100 sẽ tiếp tục phát huy giúp giảm tình trạng tai nạn giao thông trong các dịp lễ, tết; từ đó, giảm quá tải tại các bệnh viện, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế tuyến tỉnh. Ðể hưởng ứng Nghị định 100, trong đơn vị đã phát động toàn thể cán bộ, nhân viên, y bác sĩ khi đã uống rượu bia thì không lái xe...