Bệnh viện Hà Tĩnh kết hợp phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại
Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đã kết hợp các phương pháp điều trị của y học cổ truyền với những thiết bị của nền y học hiện đại, mang lại hiệu quả cao trong điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Các bác sỹ của Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh tiến hành siêu âm, chẩn đoán tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Mang trong mình các bệnh mãn tính do thoái hóa đệm, chèn ép dây thần kinh, thoái hóa xương khớp vai, tay và chân, khiến bà Ngô Thị Hương (69 tuổi, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà) đi lại khó khăn. Trong một thời gian dài, bà phải điều trị tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội. Tuy nhiên, do việc đi lại mất nhiều thời gian và tốn kém nên trong thời gian gần đây, bà đã đến Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh để điều trị, sau một thời gian đã có nhiều tiến triển tích cực.
“Khi đến đây khám bệnh, tôi cứ nghĩ là bắt mạch, kê đơn, thế nhưng, các bác sỹ đã dùng máy móc chụp, chiếu, siêu âm để chẩn đoán bệnh cho tôi, sau đó mới dùng các thuốc của đông y điều trị. Mỗi ngày tôi chỉ mất khoảng 2 giờ để điều dưỡng và được các y bác sỹ dùng các thủ thuật nhằm giúp giảm cơn đau, nhờ đó việc đi lại nhanh nhẹn, tay chân cử động linh hoạt hơn” - bà Hương chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Sỹ Thung (56 tuổi, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc) chia sẻ: “Mình bị đau lưng, tê mỏi chân tay nên đến Bệnh viện Y học cổ truyền để điều trị. Khi vào thăm khám, các y bác sỹ chụp X.quang, siêu âm chẩn đoán bệnh, sau đó mới tiến hành xóa bóp, điện sung, điện châm chiếu đèn laze và dùng thuốc".
Khi chẩn đoán được bệnh, các y bác sỹ mới khi sử dụng các phương pháp điều trị của y học cổ truyền (trong ảnh: Bác sỹ Ngô Đức Hạnh châm cứu cho bệnh nhân).
Theo bác sỹ Ngô Đức Hạnh - Trưởng khoa Châm cứu (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh), khi bệnh nhân vào viện, để chẩn đoán chính xác bệnh, khoa luôn luôn sử dụng các máy móc, thiết bị của y học hiện đại kết hợp với vọng, văn, vấn, thiết của y học cổ truyền.
Sau khi chẩn đoán chính xác được bệnh mới điều trị theo hướng y học cổ truyền như: điện châm, laser châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, vật lý trị liệu (loại không dùng thuốc), thuốc thang, thuốc cao đơn hoàn tán (loại dùng uống).
Việc kết hợp các phương pháp điều trị của y học cổ truyền với những máy móc, thiết bị của nền y học hiện đại đã mang lại sự hài hòa và hiệu quả lớn trong việc điều trị và giảm các tác dụng phụ cho người bệnh.
Bệnh viện Y học cổ truyền đầu tư nhiều thiết bị, máy móc hiện đại để thăm khám, điều trị cho người bệnh (trong ảnh: Bác sỹ đọc kết quả xét nghiệm qua hệ thống máy xét nghiệm huyết học và sinh hóa).
Từ những hiệu quả tích cực khi kết hợp giữa 2 nền y học nên thời gian gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại như: máy siêu âm màu 4D, X.quang kỹ thuật số, nội soi tiêu hóa, máy xét nghiệm huyết học và sinh hóa, máy đo loãng xương bằng phương pháp Dexa, máy Doppler mạch máu trĩ để phẫu thuật trĩ; hệ thống máy móc phục hồi chức năng như: thủy trị liệu, oxy cao áp, điện từ trường, sóng ngắn, siêu âm điều trị, điện xung, điện phân, laser nội mạch, laser châm, hệ thống xông hơi thuốc Pharaphin... để chẩn đoán, điều trị bệnh tốt hơn, nhất là đối với những bệnh về cơ, xương, khớp, di chứng sau chấn thương, tai biến mạch máy não, liệt mặt, trĩ...
Bên cạnh đó, đơn vị còn đầu tư máy sắc thuốc đóng gói tự động, máy sản xuất viên hoàn mềm... nhằm giảm bớt thời gian, công sức cho đội ngũ y bác sỹ và người bệnh.
Bệnh nhân được xông hơi thuốc bằng hệ thống xông hơi thuốc pharaphin.
Bác sỹ Bùi Thị Mai Hương - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh cho biết: "Y học hiện đại với ưu điểm máy móc tối tân, kỹ thuật hiện đại đã thể hiện vai trò giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời các trường hợp bệnh cấp tính. Đối với những bệnh mạn tính hoặc các di chứng do tai biến mạch máu não, chấn thương thì y học cổ truyền lại có những lợi thế nhất định.
Sự kết hợp những ưu điểm của 2 loại hình y học này đã mang lại nhiều hiệu quả tốt trong việc khám, chữa bệnh, hạn chế được tối đa các di chứng, giảm gánh nặng cho bản thân người bệnh và gia đình.
Qua thực tiễn cho thấy việc đẩy mạnh kết hợp giữa đông y và tây y ở bệnh viện trong thời gian qua đã nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, phù hợp với xu thế về yêu cầu chữa bệnh của xã hội hiện đại".