Bệnh viện hạn chế rác thải nhựa
Không sử dụng ly nhựa trong các cuộc họp, sử dụng túi giấy đựng thuốc thay túi ni lông, dùng hộp thuốc làm chậu trồng cây… là những động thái tích cực của một số bệnh viện (BV) tại TPHCM hưởng ứng chỉ thị giảm thiểu rác thải nhựa của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen sử dụng đồ dùng nhựa của người bệnh, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nói không với đồ nhựa sử dụng một lần
Ghi nhận tại BV Phụ sản Hùng Vương (TPHCM), lượng rác thải sinh hoạt trung bình lên đến hơn 55 tấn/tháng, tiêu tốn chi phí xử lý trên 23 triệu đồng. Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo BV khuyến khích nhân viên sử dụng sản phẩm túi giấy thân thiện với môi trường, đồng thời không sử dụng nước uống đóng chai trong các cuộc họp, thay thế bằng ly thủy tinh.
Ngoài ra, BV cũng khuyến khích nhân viên mua thức ăn và sử dụng tại chỗ khi đến căn tin. Bên cạnh đó, BV còn thông tin hướng dẫn “Chống rác thải nhựa” đến người bệnh, thân nhân thông qua các bảng tin, tờ rơi, bảng quy định sinh hoạt.
Là một trong những BV tiên phong trong việc thực hiện chỉ thị của Bộ Y tế, BV Răng Hàm Mặt Trung ương (TPHCM) cũng đã triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Điển hình, BV đã thực hiện thay thế túi ni lông đựng phim X-quang bằng túi giấy thân thiện với môi trường; thực hiện nghiêm túc phân loại rác thải tại nguồn để hỗ trợ việc tái chế rác thải từ nhựa, giảm thiểu lượng chất thải độc hại.
Đặc biệt, BV chú trọng triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh, hướng tới không in phim, không in hồ sơ bệnh án để tiết giảm rác thải. Riêng tại BV Đại học Y Dược TPHCM đã chủ động sử dụng túi giấy đựng thuốc thay cho túi nhựa. Các chi đoàn trong BV cũng tích cực hưởng ứng phong trào qua việc thực hiện những tác phẩm có tính ứng dụng cao, như “Túi xanh hy vọng” (của Chi đoàn Khoa Phụ sản) tái sử dụng từ vật liệu thừa tại khoa, sử dụng chất liệu thân thiện môi trường, có thể sử dụng nhiều lần.
Người dân vẫn thờ ơ
Mặc dù một số BV đã có nhiều biện pháp khuyến khích nhân viên, bệnh nhân và người nuôi bệnh hạn chế sử dụng đồ dùng nhựa trong BV, nhưng mới chỉ bước đầu thực hiện, hiệu quả chưa rõ rệt. Việc người dân sử dụng đồ nhựa dùng một lần vẫn còn diễn ra phổ biến.
Tại BV Bình Dân (TPHCM), mặc dù BV đã tuyên truyền vận động hạn chế rác thải nhựa, nhưng nhiều người dân đến thăm khám vẫn dùng chai nhựa, túi ni lông mang vào khuôn viên BV.
“Biết là hại sức khỏe, khó phân hủy trong môi trường, nhưng không chỉ tôi mà nhiều người vẫn có thói quen dùng đồ nhựa, bao ni lông. Vì nó tiện lợi, rẻ, đi đến đâu cũng có bán. Dùng riết thành quen luôn rồi, rất khó thay đổi”, bệnh nhân T.H. (ngụ tại TPHCM) cho biết.
Theo các chuyên gia y tế, rác thải nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất trong đồ nhựa dùng một lần (như BPA, Styrene…) sẽ gây ra nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, viêm gan, dị ứng, rối loạn hệ thần kinh, rối loạn nội tiết tố, vô sinh…
Bác sĩ Lê Trung Chánh, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương, nhận định: “Số liệu báo cáo nhanh (chưa chính thức) cho thấy khoảng 5% trong tổng lượng chất thải y tế là nhựa, mỗi ngày có khoảng 22 tấn chất thải nhựa thải ra từ các hoạt động y tế. Trong đó, lượng lớn chất thải nhựa phát sinh từ các sinh hoạt thường ngày, quá trình chăm sóc người bệnh, người nhà người bệnh. Tuy nhiên, thật sự việc thay đổi thói quen của người dân là một vấn đề hết sức khó khăn, cần có thời gian và sự chung tay của cả toàn xã hội chứ không chỉ riêng của ngành y tế”.
Bác sĩ Lê Trung Chánh cho biết BV đã ban hành các văn bản quy định nội bộ; các trưởng, phó khoa, phòng, trung tâm sẽ ký cam kết giảm thải chất thải nhựa. Riêng đối với người bệnh, người nuôi bệnh, tuy BV đã có kế hoạch tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, nhưng điều quan trọng là bản thân người dân phải ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc hạn chế rác thải nhựa, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường và bảo vệ sự sống của chính họ.
“Việc ban hành các quy định xử phạt, chế tài đối với người bệnh, người nuôi bệnh trong thời điểm này còn nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện vì chưa có hành lang pháp lý rõ ràng đối với các BV”, bác sĩ Lê Trung Chánh băn khoăn.
Việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế nhựa trong các BV gặp khá nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Việc tiếp cận những sản phẩm thân thiện môi trường về chủng loại, mặt hàng, số lượng, giá thành, quy trình đấu thầu, tiêu chuẩn an toàn sinh học hay khả năng cung ứng tại các địa phương cũng rất khác nhau và hầu hết là chưa đảm bảo cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Vì vậy, để việc giảm thiểu số lượng rác thải nhựa trong BV có hiệu quả, tập thể BV và người dân cần chung tay xây dựng ý thức, nhiệm vụ riêng cho mình.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/benh-vien-han-che-rac-thai-nhua-616585.html