Bệnh viện HNĐK Nghệ An nhận giải thưởng Bạch kim trong điều trị đột quỵ
Sau khi nhận giải thưởng vàng trong điều trị đột quỵ trong quý 4/2019. Đầu năm 2021, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp tục được Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO) trao tặng Giải thưởng Bạch kim (Platinum Status).
Nắm bắt được mô hình bệnh tật có xu hướng chuyển dịch sang các bệnh lý không nhiễm trùng, đặc biệt các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, rối loạn chuyển hóa. Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã thành lập Trung tâm Tim mạch và Trung tâm Đột quỵ với mong muốn phát triển chuyên sâu hai lĩnh vực mà các bệnh lý có xu hướng gia tăng và gây tử vong hàng đầu.
Năm 2020, có 3.858 bệnh nhân vào điều trị nội trú tại Trung tâm đột quỵ.
Trung tâm thực hiện được 163 ca can thiệp mạch máu não và 180 ca dùng thuốc tiêu sợi huyết. Tỉ lệ tử vong và nặng xin về khoảng 3% (thấp hơn so với tỉ lệ tử vong bình quân của đột quỵ tại Việt Nam là 5.5%).
"Mặc dù Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện HNĐK Nghệ An mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2019 nhưng đến quý 4/2019 đã được nhận Giải thưởng Vàng trong điều trị đột quỵ của Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO). Bệnh viện đã không ngừng cố gắng cải thiện chất lượng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ và liên tiếp giành 3 Giải Vàng. Đến đẩu năm 2021, Bệnh viện đã được Tổ chức Đột quỵ Thế giới trao tặng Giải thưởng Bạch kim (Platinum Status) cho những nỗ lực trong quản lý đột quỵ." - PGS. TS. Nguyễn Văn Hương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An chia sẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện HNĐK Nghệ An là 1 trong 6 đơn vị đạt được giải thưởng Bạch kim. Đây là giải thưởng danh giá thứ hai sau giải thưởng Kim cương, một giải mà đến nay tại Việt Nam chỉ có Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM đạt được.
TS.BS. Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết: "Giải thưởng này đòi hỏi các bệnh viện phải tổ chức hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ đạt được các tiêu chí khắt khe do WSO đề ra. Hai tiêu chí quan trọng nhất cũng là khó đạt nhất đối với giải thưởng Bạch kim là: Tỷ lệ bệnh nhân có thời gian từ khi vào viện tới khi được lấy huyết khối cơ học dưới 120 phút đạt trên 75%; tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái thông trên tổng số bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não tới viện đạt trên 15%."
Để đạt được các tiêu chí đó đòi hỏi một cuộc chạy đua với thời gian vì cấp cứu đột quỵ phải tiến hành trong "thời gian vàng". Sự phối hợp nhóm nhịp nhàng và hiệu quả giữa các chuyên ngành liên quan như Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Đột quỵ, Phẫu thuật Thần kinh cũng như các bác sĩ của các bệnh viện tuyến trước là chìa khóa của sự thành công. 03 Giải thưởng Vàng và bây giờ là Giải thưởng Bạch kim, chính là niềm tự hào, là minh chứng cho những nỗ lực của các y bác sĩ Bệnh viện HNĐK Nghệ An.
Trong thời gian tới, Bệnh viện HNĐK Nghệ An phấn đấu xây dựng Trung tâm Đột quỵ thành một trung tâm đột quỵ toàn diện (Comprehensive Stroke Center), và quyết tâm hướng đến giải thưởng cao nhất theo bộ tiêu chí của WSO – Giải thưởng Kim cương và góp phần xây dựng bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An thành bệnh viện đa khoa tuyến cuối của khu vực Bắc Trung bộ.