Bệnh viện K khởi công dự án nâng cấp cải tạo cơ sở I, II
Ngày 31-7, Bệnh viện K tổ chức 'Lễ Khởi công Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo Bệnh viện K cơ sở I, II' (cơ sở Quán Sứ và Tam Hiệp). Đây là công trình quan trọng đánh dấu sự phát triển mới của bệnh viện, là công trình chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Viện Curie Đông Dương - tiền thân của Bệnh viện K (19-10-1923/19-10-2023).
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh: “Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở I, II của Bệnh viện với tổng số vốn đầu tư 750 tỷ đồng, trong đó có 700 tỷ đồng là từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với sự phát triển của Bệnh viện. Theo đó, Bệnh viện K cơ sở I Quán Sứ sẽ được xây mới 1 tòa nhà đa năng với trong đó bố trí các phòng ban chức năng của Viện nghiên cứu phòng, chống ung thư như khu khám bệnh, các labo đáp ứng quy mô khoảng 200 giường điều trị nội trú và 120 ghế điều trị ngoại trú ban ngày và thử nghiệm lâm sàng; Bệnh viện K cơ sở II Tam Hiệp được cải tạo sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị y tế để đáp ứng quy mô 200 giường bệnh phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị bệnh viện thời gian tới thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, lấy hiệu quả điều trị, lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo giá trị, là mục tiêu phấn đấu. Mỗi thầy thuốc, nhân viên y tế của bệnh viện K còn phải là chỗ dựa, động viên, an ủi, chia sẻ, đồng hành cùng người bệnh theo đúng tinh thần “Trao hy vọng - nhận niềm tin”. Bệnh viện cũng cần phát huy cao hơn nữa hiệu quả Trung tâm phẫu thuật Rô-bốt, Trung tâm pha chế thuốc tập trung, triển khai kỹ thuật xạ phẫu, áp dụng phương pháp xạ trị hiện đại của thế giới như xạ trị Proton, I-on nặng... Với vai trò là bệnh viện đầu ngành về phòng chống ung thư, Bệnh viện cần tích cực hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến, đặc biệt là chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới. Nghiên cứu phát triển mô hình chuỗi bệnh viện chuyên sâu, góp phần quan trọng giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân và gia đình, giảm nhu cầu người dân ra nước ngoài chữa bệnh (hiện nay mỗi năm người Việt Nam chi hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, trong đó phần lớn là để chữa trị ung thư) và thu hút người nước ngoài điều trị tại bệnh viện.
Đặc biệt, bệnh viện cần tiếp tục chú trọng việc bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý; đồng thời quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội, vận động các nguồn lực để hỗ trợ các bệnh nhân, bệnh nhi ung thư có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.