Bệnh viện không tiếp người nhà đến thăm, giữ an toàn sinh mạng cho tất cả mọi người
Các bệnh viện đồng loạt thực hiện theo chỉ đạo mới nhất của Bộ Y tế 'hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh' để bảo vệ sự an toàn của cơ sở y tế, sự an toàn của bệnh nhân và người nhà trước làn sóng mới của dịch COVID-19 có thể tràn vào các bệnh viện bất cứ lúc nào.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 9 bệnh viện phải tạm thời phong tỏa, cách ly y tế, ngừng tiếp nhận bệnh nhân vì dịch COVID-19 bao gồm:
- BVĐK khu vực Phúc Yên;
- BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2;
- BV Phong và Da liễu Quỳnh Lập (Nghệ An);
- BV Phổi Lạng Sơn;
- BVĐK tỉnh Thái Bình;
- BV Quân y 105;
- BV K Trung ương (cả 3 cơ sở);
- BVĐK Hoàn Mỹ (Đà Nẵng);
- BVĐK Medlatec (cơ sở Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội).
Rõ ràng thực tế đã chỉ ra rằng, dịch COVID-19 có thể xâm nhập vào bất kỳ bệnh viện nào và bất cứ nơi đâu nếu chúng ta không thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ và khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế. Bệnh viện là "thành trì", là nơi thăm khám, điều trị, cứu sống cho bệnh nhân càng cần phải được đảm bảo an toàn tối đa.
Hơn lúc nào hết, mỗi người dân lúc này phải sống có trách nhiệm với chính bản thân mình, với cộng đồng và trên hết là vì lợi ích của Quốc gia, dân tộc bằng cách thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế để phòng, chống dịch COVID-19.
Người dân cần tuyệt đối phối hợp với ngành y tế, với các cơ sở khám chữa bệnh để ngăn chặn làn sóng COVID-19 tấn công các bệnh viện!
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương đã có ca bệnh trong cộng đồng như Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình..., một số bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương đã có tình trạng lây chéo trong người bệnh và nhân viên y tế; sự biến chủng của SARS-CoV-2...
Để tăng cường kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Bệnh viện trực thuộc trường Đại học, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế các ngành chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện giãn cách trong các cơ sở khám, chữa bệnh; Hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế nhập viện nội trú khi không thực sự cần thiết....
Thông điệp: #HãybảovệcáccơsơỶtế được lan truyền mạnh mẽ.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Bộ Y tế đề cập đến vấn đề này. Trong đợt dịch COVID-19 lần trước tại Đà Nẵng, Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có COVID-19. Bộ cũng yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị đủ nhân lực để chăm sóc toàn diện người bệnh, giảm tối đa người nhà chăm sóc người bệnh tại bệnh viện.
Đây là những chỉ đạo rất kịp thời và nhận được sự ủng hộ của đa số dư luận xã hội. Tuy nhiên, người Việt Nam vốn có truyền thống nhân ái, tình cảm, việc thăm nom người ốm đau dường như đã trở thành thói quen và ăn sâu vào nếp sống của nhiều người nên đâu đó người dân vẫn do dự và có chút lơ là khi dịch bệnh đã tạm lắng xuống.
Đứng trước làn sóng mới của COVID-19 có thể tràn vào các bệnh viện bất cứ lúc nào, Bộ Y tế một lần nữa yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh siết chặt lại phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó có nội dung hạn chế tối đa người nhà, người thân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định nguy cơ dịch xâm nhập vào các bệnh viện tuyến Trung ương (tuyến cuối) cao hơn rất nhiều địa phương vì bệnh viện Trung ương là tổng hợp các bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên. Bảo vệ các khu vực trọng yếu như các phòng khám, phòng cấp cứu, chạy thận nhân tạo… Đây là những khu vực khi dịch xâm nhập vào thì việc điều trị khó khăn...
Nếu không làm nghiêm lúc này, thì sẽ không còn lúc nào khác, và nếu không phải là lúc này thì còn đợi đến bao giờ khi bài học COVID-19 từ các quốc gia khác vẫn còn nguyên giá trị...