Bệnh viện là nơi cứu người nhưng côn đồ tới quậy như lãnh địa riêng
Ngoài áp lực công việc của ngành y, các bác sỹ, nhân viên y tế còn phải đối mặt với nguy cơ có thể bị hành hung bất cứ lúc nào.
Thời gian qua, tại các bệnh viện trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ côn đồ hoặc thân nhân người bệnh đập phá tài sản của bệnh viện, đánh trọng thương bác sĩ, nhân viên y tế.
Báo động tình trạng bạo hành tại bệnh viện
Mới đây, vào ngày 19/11, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác nhận vụ việc một nữ điều dưỡng bị hành hung xảy ra. Theo đó, khoảng 9h ngày 16/11, một gia đình đưa bé L. (9 tuổi) đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng thở mệt, người lả.
Sau thăm khám, bác sĩ nhận định bé L. bị hen suyễn nên chỉ định phun khí dung. Tiếp theo, bé được cho ngồi chờ ở phòng lưu bệnh để theo dõi và chờ phun khí dung lần 2.
Trong lúc bé L. nằm nghỉ ngơi thì có một bé khác được đưa vào phòng cấp cứu với chẩn đoán rất nặng. Do phòng không còn giường nên điều dưỡng M.T.H. (Khoa Cấp cứu) nói với gia đình bé L. nhường giường.
Lúc đó, bé L. đã ổn định sức khỏe nên bước xuống ngay nhưng mẹ bé lại phản đối và lớn tiếng mắng chửi chị H. thậm tệ.
Ngay sau đó, một người đàn ông được cho là cha của bé trai 9 tuổi đã dùng tay tấn công vào vùng mặt chị H. khiến chị choáng váng.
Nữ điều dưỡng được đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện Nhân Dân 115 kiểm tra. Qua phim X-quang vùng đầu mặt, bác sĩ chẩn đoán chị H. bị gãy xương hàm.
Nữ điều dưỡng đang rơi vào tâm lý hoang mang, căng thẳng, chị đang được bác sĩ theo dõi nhưng có nguy cơ phải thực hiện phẫu thuật xương hàm.
Một trường hợp khác, vào ngày 1/10 xuất hiện một clip ghi lại cuộc ẩu đả trong bệnh viện đang được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội. Một người đàn ông đang cầm dây truyền cho con nhỏ thì bất ngờ nổ ra tranh cãi với bác sĩ.
Hình ảnh trong camera cho thấy vị bác sĩ trung niên dường như đang cố giải thích điều gì đó trong tờ giấy. Nhưng ông bố có vẻ không đồng tình, thậm chí chỉ thẳng tay vào mặt người này.
Sau khi vị bác sĩ phản ứng gay gắt, ông bố hùng hổ lao đến đấm đá. Hai bên đánh nhau túi bụi, thậm chí cầm ghế tấn công đối phương giữa phòng bệnh. Một nữ y tá phải vào bế đứa bé ra ngoài.
Một trường hợp nghiệm trọng khác vào sáng ngày 9/8, Đinh Việt Bắc (SN 1982, ngụ huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đưa con gái vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình để xử lý vết thương trên trán. Khi vào đây, con gái của Bắc đã được các y, bác sĩ thăm khám, đánh giá mức độ bệnh tật để thực hiện xử lý vết thương cho bé.
Tuy nhiên, cho rằng các y, bác sĩ của viện đã không "nhiệt tình" điều trị cho con gái mình, nên Bắc đã có hành động chửi mắng rồi bất ngờ lao vào đấm đá y, bác sĩ tại đây
Sự việc sau đó được báo tới Công an TP Ninh Bình. Thế nhưng, khi có mặt công an, người đàn ông này vẫn hùng hổ, bất chấp sự can ngăn của công an và lực lượng bảo vệ bệnh viện, chửi bới, đuổi đánh bác sỹ.
Giải pháp nào bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế
Bệnh viện là nơi cần sự yên tĩnh, trật tự để nhân viên y tế tập trung sức lực và trí tuệ giúp người bệnh qua cơn hiểm nghèo, cũng là nơi để người bệnh tĩnh dưỡng.
Khi nhân viên y tế bị hành hung, ngay lập tức sẽ ảnh ưởng đến người bệnh khác trong khu vực đó, đặc biệt trong trường hợp nhân viên y tế đang cấp cứu cho một bệnh nhân khác mà bị hành hung sẽ làm gián đoạn công việc, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Từ thực tế nếu trên, ngày 19/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung Khoản D Điều 134 trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về tình tiết tăng nặng khi phạm tội cố ý gây thương tích đối với người "chữa bệnh cho mình".
Theo đó, tăng mức phạt đối đa lên tới ba năm tù. Bộ trưởng Y tế cũng đã gửi công văn đến Bộ trưởng Công an đề nghị lực lượng công an phối hợp, tăng cường kiểm soát trật tự trong các bệnh viện và các khu vực chung quanh.
Cơ quan công an cũng đã vào cuộc ráo riết, những kẻ hành hung đều bị bắt và xử lý theo pháp luật. Nhiều giải pháp cũng đã được đề ra như tăng cường lực lượng an ninh nơi bệnh viện, lập đường dây nóng để cán bộ, nhân viên y tế có thể gọi bất cứ lúc nào tới lực lượng cơ động 113…
Thế nhưng, số lượng các bác sĩ bị hành hung không những không giảm bớt mà còn tiếp tục tăng.
Trước câu hỏi đâu là giải pháp tổng thể hữu hiệu cho vấn nạn này? TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, để giảm tải tình trạng người nhà bệnh nhân có những hành vi không đúng mực với y, bác sĩ, ngành y tế cần phải nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là ở các khoa cấp cứu.
Đồng thời, cần phải có sự vận hành nhịp nhàng giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Đặc biệt, trong quá trình cấp cứu không nên để người nhà bệnh nhân nhìn thấy để tránh tình trạng hiểu lầm. Hiểu lầm hay nói cách khác là chưa thấu hiểu, chưa chia sẻ được với nhau chính là điểm mấu chốt lớn nhất nếu muốn giải quyết vấn nạn này hiệu quả nhất. Nhìn chung cái gốc của giải pháp vẫn là cần lắng nghe, chia sẻ lẫn nhau.
PGS, TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam bày tỏ lo ngại, tại Việt Nam, khi xảy ra sự việc, xã hội vẫn coi ngành y là ngành phục vụ nên luôn có tâm lý đổ lỗi cho nhân viên y tế. Chính vì những áp lực như vậy nên người bị hành hung ít khi lên tiếng. Trong khi đó, cần phải coi nhân viên y tế trong bệnh viện là người thi hành công vụ, có quyền được pháp luật bảo vệ tính mạng, danh dự như những công dân khác trong xã hội.
"Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã có đã có Luật Phòng, chống bạo hành nhân viên y tế, tiêu biểu là luật của bang Maharashtra, Ấn Độ ban hành ngày 30-3-2009.
Luật có các điều khoản quy định rất rõ ràng mức tăng nặng đối với hành vi bạo hành các cán bộ y tế đang chăm sóc bệnh nhân cũng như mức đền bù trang thiết bị tài sản của các cơ sở y tế bị phá hoại", PGS, TS Nguyễn Gia Bình nói.