Bệnh viện Nhi đồng 2: Hàng chục ca đau mắt đỏ đến khám mỗi ngày
Mỗi ngày, Chuyên Khoa Mắt - Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) tiếp nhận khoảng 50-70 trẻ nhập viện thăm khám vì viêm kết mạc cấp, hay còn gọi là đau mắt đỏ.
2 cha con anh T.Q.K (40 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) với đôi mắt sưng, đỏ ngồi chờ tại khu vực lấy thuốc tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM).
Ông K. cho biết trước đó gần 1 tuần, con gái ông đi học về bị sưng mắt. Sau đó, mắt bé đỏ nhưng không đau, không đổ ghèn. Vì vậy, ông tự mua thuốc nhỏ cho bé nhưng tình trạng không cải thiện, mắt càng đỏ nên ông đưa bé đến bệnh viện khám. "Bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bé bị đau mắt đỏ. Tôi cũng bị lây" - ông K. chia sẻ.
Tương tự, ngay từ sớm, 2 mẹ con chị L.N.Y (35 tuổi, ngụ Bình Dương) đã có mặt tại Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám mắt. Chị Y. cho biết dãy trọ nơi chị ở có vài người lớn trước đó cũng bị đau mắt đỏ. Họ có phòng tránh bằng cách đeo kính đen khi tiếp xúc với mọi người xung quanh.
"Ban đầu, tôi nghĩ có thể bé bị dị ứng vì trước đó con cũng bị tình trạng như vậy. Tuy nhiên, cũng lo bé bị đau mắt đỏ nên đưa đi khám" - chị Y. nói.
BS CK1 Nguyễn Đình Trung Chính, Chuyên khoa Mắt – Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết trung bình bệnh viện tiếp nhận từ 50-70 ca bệnh đau mắt đỏ/ ngày đến khám. Đối tượng mắc bệnh ở nhiều lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến trẻ đã đi học. Trong đó, trẻ đi học chiếm đa số.
"Hiện tại là thời điểm thuận lợi cho virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển. Do đó, trẻ đến khám mắt chủ yếu là bệnh đau mắt đỏ. Bệnh dễ lây nên chỉ cần 1 trẻ trong lớp mắc bệnh thì cũng có thể lây cho trẻ khác" – bác sĩ Chính cho hay.
Theo bác sĩ Chính, khi thấy trẻ có các biểu hiện gồm: mắt đỏ, cộm xốn như có cát, chảy nước mắt, có ghèn rỉ, sáng ngủ dậy khó mở mắt.., cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám.
Đáng chú ý, ở trẻ nhỏ có thể kèm theo triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ…
Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, hàng ngày, có thể sử dụng nước muối sinh lý (Nacl 0.9%) để rửa mắt sau khi đi ngoài đường hoặc đi bơi về. Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.
Bên cạnh đó, tại trường học, cơ quan, gia đình... người bệnh cần tránh tiếp xúc trực trực tiếp, gần gũi với người xung quanh. Đặc biệt, luôn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay, tiến hành cách ly người bệnh, dùng riêng khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối.
Đồng thời, đeo khẩu trang khi nói chuyện và hạn chế đến nơi đông người. Sau khi chăm sóc cho người bệnh phải rửa tay bằng xà phòng, khi khỏi bệnh phải rửa sạch kính của mình bằng xà phòng tránh tái nhiễm lại.