Bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận, chuyên gia kiến nghị đầu tư thêm các đơn vị chạy thận ở y tế cơ sở

Để đáp ứng nhu cầu chạy thận cho bệnh nhân, mỗi bệnh viện đều phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày. Tuy nhiên, hiện có những bệnh viện có tình trạng quá tải bệnh nhân chạy thận.

TP.HCM hiện có 47 đơn vị cơ sở y tế triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo (39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế và 8 đơn vị trực thuộc bộ, ngành). Để đáp ứng nhu cầu chạy thận cho bệnh nhân, mỗi bệnh viện đều phải tổ chức nhiều ca chạy thận trong ngày. Tuy nhiên, hiện có những bệnh viện có tình trạng quá tải bệnh nhân chạy thận.

Chia sẻ với phóng viên, anh L.H.Q, 39 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức cho biết, anh bị suy thận mạn tính và đã chạy thận tại Bệnh viện TP Thủ Đức được 4 lần. Tuy nhiên, do Bệnh viện TP Thủ Đức đông bệnh nhân lại không đủ dịch lọc thận, anh Quý được bác sĩ hướng dẫn chuyển sang Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức).

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: K.V

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: K.V

Không chỉ riêng anh Quý, Bệnh viện Lê Văn Thịnh còn tiếp nhận một số bệnh nhân chạy thận chuyển từ các bệnh viện lớn trên địa bàn TP.HCM về điều trị tại đây. Cụ thể như bệnh nhân N.T.D.H, 30 tuổi, ngụ Thành phố Thủ Đức. Anh H. cho biết, trước đó, anh H. chạy thận cấp cứu ở Bệnh viện Thống Nhất thì vẫn có máy đảm bảo lọc thận, tuy nhiên đến khi phải đăng ký chạy định kỳ thì bệnh viện chỉ còn dư 4 máy, kể cả máy dịch vụ cũng không còn nên các bác sĩ đã giới thiệu cho anh H. về Bệnh viện Lê Văn Thịnh chạy định kỳ.

Theo thống kê, Bệnh viện Thống Nhất hiện có 45 máy điều trị nhưng phải lọc máu cho khoảng 150 ca/ngày. Từ nhiều ngày trước, bệnh nhân phải nằm dọc hành lang chờ chạy thận. Ngoài ưu tiên các bệnh nhân cấp cứu, khoa Thận nhân tạo không thể tiếp nhận thêm các trường hợp chạy thận khác. Hiện khoa Thận nhân tạo đang có gần 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, các y, bác sĩ tại khoa phải làm việc liên tục từ 5 giờ đến 18 giờ.

BS.CK 2 Từ Kim Thanh – Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cũng chia sẻ, gần đây, khoa do anh phụ trách tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ các bệnh viện khác trên địa bàn thành phố và từ cả các tỉnh miền Tây và cả Tây Nguyên đến chạy thận. Hiện tại khoa có 31 máy lọc thận, có thể giải quyết cho gần 200 bệnh nhân (chạy 3 ca/ngày, bao gồm cả chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc máu liên tục, hồi sức....).

Theo bác sĩ Thanh, nếu chạy đủ 4 ca như nhiều bệnh viện khác, khoa có thể tiếp nhận thêm từ 60 - 70 bệnh nhân nữa. Tuy nhiên, điều đó có thể gây quá tải với các điều dưỡng ở đây bởi công việc của họ rất cực, chịu nhiều áp lực. Bệnh nhân chạy thận lọc máu kín tuần, kể cả ngày lễ, Tết nên điều dưỡng không được nghỉ ngơi, chưa kể họ cũng cần phải có thời gian đào tạo thêm. Trong khi đó, dự báo, số bệnh nhân chạy thận còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Giải thích về nguyên nhân nhiều bệnh viện quá tải chạy thận không chỉ riêng tại TP.HCM, bác sĩ Thanh cho hay, hiện nay vấn đề tầm soát bệnh đã phát triển, do vậy người mắc bệnh được phát hiện nhiều hơn. Các kỹ thuật điều trị suy thận mạn ngày càng tiến bộ, chi phí điều trị giảm đáng kể so với trước đây, vậy nên bệnh nhân tiếp cận sớm và được điều trị, tuổi thọ của người lọc thận kéo dài hơn. Do vậy lượng người chạy thận ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, dù lượng bệnh nhân gia tăng nhưng việc xây dựng cơ sở vật chất chạy thận lại gặp nhiều trở ngại. Bác sĩ Thanh nêu ví dụ, với một khoa phòng khác, nếu quá tải sẽ kê thêm giường cho bệnh nhân nằm nhưng với bệnh nhân chạy thận sẽ liên quan đến máy móc, cơ sở vật chất. Cụ thể, một máy chạy thận chi phí khoảng 400 triệu đồng, rồi hệ thống RO, kho chứa dịch, phòng rửa màng, phòng trữ màng… Nghĩa là cơ sở vật chất để triển khai lọc máu có thể cần diện tích gấp 2 – 3 lần các khoa phòng bình thường, đầu tư tốn kém.

Điều đáng nói, cơ cấu giá mà bảo hiểm y tế chi trả cho việc chạy thận vẫn chưa tính đúng, tính đủ, nên không đủ để bệnh viện bù chi phí máy móc, dây truyền, vận hành…Cho nên bệnh viện càng làm càng bị lỗ. Còn nếu bệnh nhân chạy thận ở cơ sở tư nhân thì nhiều bệnh nhân không chi trả được.

Một số bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận. Ảnh: K.V

Một số bệnh viện ở TP.HCM quá tải bệnh nhân chạy thận. Ảnh: K.V

Trước nguy cơ quá tải bệnh nhân chạy thận, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã có buổi họp với các bệnh viện đầu ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực chạy thận để thảo luận đánh giá nhanh giữa nhu cầu chạy thận cho người bệnh bị suy thận và khả năng cung ứng của các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo từ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, tổng số bệnh nhân đang được lọc máu định kỳ là 4.254 người (tăng rõ so với cách đây 5 năm, thời điểm lúc bấy giờ chỉ hơn 3.000 người). Điều đáng lưu ý là người bệnh có địa chỉ ngoài TP.HCM chiếm tỷ lệ gần 20%.

Các chuyên gia dự báo nếu số bệnh viện có triển khai kỹ thuật chạy thận và số máy chạy thận không thay đổi thì nguy cơ quá tải chạy thận tại các bệnh viện là khó tránh khỏi.

Các chuyên gia về thận học của TP.HCM đã kiến nghị, sớm củng cố mạng lưới các cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận. Trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực (từ ngân sách hoặc có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các bệnh viện) giúp tất cả các bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện để triển khai chạy thận cho người bệnh trên địa bàn.

Kim Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-o-tphcm-qua-tai-benh-nhan-chay-than-chuyen-gia-kien-nghi-dau-tu-them-cac-don-vi-chay-than-o-y-te-co-so-169230406143705123.htm