Bệnh viện Phụ sản TW: 70 năm nâng niu sự sống và kiến tạo nên những kỳ tích
Trong 70 năm qua, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã hiện diện trong ký ức của hàng triệu con người theo cách lặng lẽ nhất nhưng vô cùng gắn bó và sâu đậm, từ khoảnh khắc đón em bé chào đời đầu tiên trong vòng tay cha mẹ.
Có những nơi mà khi được nhắc đến, trong trí nhớ của nhiều người bỗng chậm lại một nhịp, bởi ở đó có rất nhiều sự sống được bắt đầu, một hy vọng được gửi trao và một tình yêu được đong đầy trọn vẹn. Bệnh viện Phụ Sản Trung ương là một nơi như vậy - nơi gieo mầm sự sống của biết bao con người, bao thế hệ người Việt.
Trong suốt 70 năm qua, nơi đây đã hiện diện trong ký ức của hàng triệu con người theo cách lặng lẽ nhất nhưng vô cùng gắn bó và sâu đậm, từ khoảnh khắc đón em bé chào đời đầu tiên trong vòng tay cha mẹ, là ánh mắt xúc động của những bà mẹ sau hành trình vượt cạn… đến niềm tự hào của các gia đình nhiều thế hệ đều sinh ra từ nơi đây.
Tiếp nối ngọn lửa truyền thống
Năm 2025 đánh dấu cột mốc đặc biệt, là 70 năm hình thành và phát triển của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đơn vị đầu ngành sản phụ khoa, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản và chẩn đoán trước sinh tại Việt Nam. Suốt 7 thập kỷ qua, nơi đây không chỉ là “nơi sự sống bắt đầu” mà còn là nơi hội tụ tri thức-y đức-tình người, chăm sóc an toàn cho hàng triệu bà mẹ và trẻ em trên khắp mọi miền đất nước.
Những y bác sỹ của bệnh viện hàng ngày, hàng tháng, hàng năm cần mẫn điều trị cho bệnh nhân sơ sinh, các sản phụ. Trong năm 2024, các bác sỹ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã thực hiện hơn 410.000 lượt khám, gần 70.000 ca điều trị nội trú, hàng chục nghìn ca phẫu thuật, sinh nở và can thiệp y học bào thai.
Suốt 7 thập kỷ qua, nơi đây không chỉ là “nơi sự sống bắt đầu” mà còn là nơi hội tụ tri thức-y đức-tình người
Với hơn 1,1 triệu xét nghiệm, 300.000 lượt siêu âm và gần 170.000 ca hỗ trợ sinh sản mỗi năm, hệ thống chẩn đoán tại bệnh viện hoạt động với công suất và độ chính xác hàng đầu khu vực. Những năm qua, bệnh viện đã ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất giúp chẩn đoán sớm dị tật bào thai, tầm soát ung thư phụ khoa, phát hiện bất thường ngay từ tuần thai đầu tiên - mang lại cơ hội sống và điều trị tốt nhất cho hàng ngàn thai phụ.
Từ những ngày đầu còn bộn bề khó khăn, Bệnh viện Phụ sản Trung ương được dẫn dắt bởi những tên tuổi lớn trong ngành như Giáo sư Đinh Văn Thắng, Giáo sư Nguyễn Thị Xiêm, Giáo Sư Nguyễn Cận hay Giáo sư Dương Thị Cương cho đến các thế hệ kế cận như Giáo sư Nguyễn Đức Vy, Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, hay gần đây là Phó Giáo sư Vũ Bá Quyết, Giáo sư Trần Danh Cường và hiện nay là Giáo sư Nguyễn Duy Ánh - mỗi người đều là một cột mốc, một dấu ấn không thể phai mờ trong hành trình phát triển rực rỡ của bệnh viện.

Giáo sư Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Giáo sư Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ, thành quả hôm nay là kết tinh từ bao thế hệ thầy thuốc đi trước, những người đã âm thầm vun đắp, trao truyền không chỉ chuyên môn vững vàng mà còn là y đức sâu sắc. Chính điều đó đã làm nên một Bệnh viện Phụ sản Trung ương xứng tầm tuyến cuối quốc gia, với khát vọng vươn xa, tiệm cận những chuẩn mực y học tiên tiến của khu vực và thế giới.
“Tôi tin tưởng rằng, thế hệ hôm nay và mai sau sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống, đưa bệnh viện trở thành trung tâm sản phụ khoa hiện đại - nơi người bệnh được chăm sóc toàn diện bằng những kỹ thuật tốt nhất, mới nhất và nhân văn nhất,” Giáo sư Nguyễn Duy Ánh nhấn mạnh.
Dẫn đầu xu hướng, mở đường y học hiện đại
Trong hành trình 70 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã định hình rõ các lĩnh vực mũi nhọn chuyên sâu, trong đó Trung tâm Sơ sinh là một điểm sáng nổi bật, đây là nơi hội tụ chuyên môn cao, công nghệ hiện đại và trái tim đầy nhân ái của những người làm nghề "giữ lửa sự sống".
Các y bác sỹ của bệnh viện không chỉ giành lại sự sống mà còn trao cho những em bé yếu ớt nhất một khởi đầu khỏe mạnh. Tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị Sơ sinh - nơi được ví như tuyến cuối của sự sống, mỗi ngày là một cuộc chiến giành giật sự sống cho những em bé non tháng, nhẹ cân, mang dị tật bẩm sinh…



Trung tâm sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) chăm sóc sức khỏe và điều trị các vấn đề liên quan đến trẻ sơ sinh, từ chăm sóc sau sinh đến điều trị các bệnh lý đặc biệt. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Bằng kỹ thuật hiện đại, quy trình chăm sóc cá thể hóa và đội ngũ chuyên gia hàng đầu, trung tâm đã cứu sống hàng trăm ca sơ sinh từng được tiên lượng rất xấu. Những kỳ tích các bác sỹ của bệnh viện đã làm nên như cứu sống trẻ 400g (nhẹ nhất Việt Nam), song thai 500g-600g sinh ra ở tuần thai 25, hay các bé sơ sinh từ mẹ mắc COVID-19, ung thư giai đoạn cuối… đã trở thành cột mốc đặc biệt của y học Việt Nam.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam áp dụng thành công kỹ thuật bơm Surfactant không xâm lấn (LISA/MIST, INSURE) cho trẻ sinh cực non (dưới 1.000g). Từ một kỹ thuật đầy thách thức, nay đã trở thành phương pháp điều trị thường quy tại bệnh viện với hơn 2.955 trẻ sơ sinh được điều trị thành công. Tỷ lệ sống của trẻ dưới 1.000g tăng từ 28% (2017) lên tới 85% (2024).
Những kỳ tích các bác sỹ của bệnh viện đã làm nên như cứu sống trẻ 400g (nhẹ nhất Việt Nam), song thai 500g-600g sinh ra ở tuần thai 25, hay các bé sơ sinh từ mẹ mắc COVID-19, ung thư giai đoạn cuối…
Song song với sơ sinh, bệnh viện cũng là nơi ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI) trong y học: phân tích phôi (trong IVF), chẩn đoán hình ảnh bào thai, tiên lượng tiền sản giật… nâng cao độ chính xác và hiệu quả điều trị.
Trong lĩnh vực tế bào gốc, hơn 3.000 mẫu mô dây rốn đã được lưu trữ thành công. Trung tâm hướng tới triển khai công nghệ phân lập tế bào gốc theo chuẩn AABB (Hoa Kỳ), mở ra triển vọng lớn trong điều trị tái tạo tương lai.

Năm 2025 đánh dấu cột mốc đặc biệt, là 70 năm hình thành và phát triển của Bệnh viện Phụ Sản Trung ương.
Không dừng ở việc làm chủ kỹ thuật, bệnh viện còn đóng vai trò chuyển giao, đào tạo cho hơn 40 bệnh viện tuyến tỉnh trong công tác Chỉ đạo tuyến, mở rộng tác động của y học hiện đại đến khắp mọi miền đất nước. Có trên 10.000 lượt học viên từ hơn 7 trường đại học y-dược thực hành mỗi năm; Gần 2.500 cán bộ tuyến tỉnh được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; Hơn 300 buổi hội chẩn từ xa thông qua hệ thống Telemedicine, kết nối 63 tỉnh thành. Những nỗ lực này giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn cho toàn hệ thống y tế sản-nhi nước nhà.
Với vai trò tuyến cuối trong lĩnh vực sản-phụ khoa, bệnh viện đã ghi dấu những bước tiến vượt bậc, không ngừng đổi mới trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng tầm chẩn đoán, điều trị và đào tạo nhân lực y tế trên toàn quốc. Mỗi thành tựu đạt được không chỉ là niềm tự hào của bệnh viện, mà còn góp phần kiến tạo diện mạo mới cho hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh Việt Nam.
Video 70 năm Bệnh viện Phụ sản Trung ương phát triển:
Cùng với bề dày truyền thống và những dấu ấn khoa học nổi bật, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang từng bước khẳng định vị thế là điểm tựa vững chắc cho ngành Sản - Phụ khoa Việt Nam. Trong hành trình 70 năm nâng niu sự sống và vươn tới tương lai, bệnh viện tiếp tục khẳng định sứ mệnh: "Chăm sóc toàn diện, điều trị chất lượng, vì sự sống và hạnh phúc của hàng triệu gia đình Việt"./.
Ngày 19/07/1955, một cột mốc hành chính quan trọng được xác lập: Nghị định số 615-ZYO/NĐ/3A do Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trí ký ban hành thành lập Bệnh viện C - cái tên giản dị, nhưng mang trong mình trọng trách lớn lao: chăm sóc sức khỏe cho lực lượng cán bộ, công nhân viên chức.
Trong giai đoạn 1956-1959, dù chủ yếu thực hiện điều trị nội khoa, nhưng trong cơ cấu tổ chức đã hình thành bộ phận sản khoa - tiền đề cho chuyên ngành sản phụ khoa chuyên sâu sau này. Trong bối cảnh đất nước còn chia cắt, chiến tranh khốc liệt ở miền Nam, Bệnh viện C vẫn âm thầm gánh vác nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, là một trong những mắt xích y tế quan trọng phục vụ công cuộc kiến thiết nền hành chính cách mạng non trẻ của miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa.
Cuối năm 1960, để đáp ứng yêu cầu tổ chức lại hệ thống y tế Trung ương, Bệnh viện C được sáp nhập vào Bệnh viện Bạch Mai - một bước thu gọn để mở ra hướng phát triển mới. Tuy nhiên, bước chuyển giao này không đơn thuần là sự kết thúc mà là sự khởi đầu cho một hình hài mới: một bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa độc lập.
Cơ sở vật chất của Bệnh viện C được giữ lại làm nền tảng xây dựng Bệnh viện C (Sản) – tổ chức y tế chuyên biệt cho lĩnh vực sản khoa, phụ khoa và sinh sản. Đây là bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn của ngành y tế, đặt dấu mốc mở đầu cho chặng đường phát triển chuyên sâu của một bệnh viện đầu ngành về chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ sơ sinh.