Bệnh viện quá tải, bệnh nhân vất vả tìm nơi chạy thận

Hiện tại TP.HCM có 4.254 bệnh nhân chạy thận định kỳ (20% đến từ các tỉnh), tăng hơn 1.000 người so với năm năm trước, dẫn đến nhiều bệnh viện bị quá tải.

“Cách đây vài tháng, tôi có biểu hiện tiểu nhiều, tiểu đêm, sưng phù bàn chân và mắt cá chân, thậm chí phù toàn thân. Da nhợt nhạt, ngứa ngáy, thường xuyên đau ngực… nên tới một bệnh viện (BV) đa khoa khám coi bị gì. Sau khi khám bác sĩ (BS) nói tôi suy thận mạn giai đoạn cuối” - bà TTNM (56 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ.

Suýt phải bán đất đi BV tư

BS cho bà M hay bệnh của bà là biến chứng của bệnh tiểu đường bà mắc lâu nay. Với tình trạng đó, bà cần được điều trị bằng cách chạy thận nhân tạo suốt đời.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM có 39 cơ sở y tế trực thuộc sở và tám đơn vị trực thuộc bộ, ngành triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo.

“Do BV quá đông người chạy thận nên BS hướng dẫn tôi tìm tới các BV khác. Ngặt nỗi đi ba, bốn BV nhưng nơi nào cũng lắc đầu từ chối bởi họ cũng đang quá tải. Tôi lo một, chồng con lo mười, cứ khóc đứng khóc ngồi khi thấy tôi ngày càng yếu. May nhờ người quen mách nên cuối cùng tôi cũng tìm được chỗ chạy thận ở BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM” - bà M kể lại những tháng ngày gian nan tìm nơi chạy thận.

Cách đây không lâu, ông VMH (54 tuổi, ngụ Long An) được người nhà đưa đến một BV đa khoa ở TP.HCM khám do có các triệu chứng ăn uống không ngon, mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ, chuột rút cơ bắp. Không chỉ vậy, ông còn bị phù toàn thân, da khô và ngứa, đau ngực, giảm khả năng tình dục…

“BS khám rồi kết luận tôi bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Bị vầy là do biến chứng của bệnh tăng huyết áp hơn 20 năm qua, cộng thêm thói quen hút thuốc lá nhiều năm. Để duy trì sự sống được lâu phải chạy thận nhân tạo liên tục” - ông H chia sẻ.

Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại BV quận 11, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại BV quận 11, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tương tự bà M, do BV nơi ông H khám không thể nhận thêm bệnh nhân chạy thận nên gia đình ông phải chạy đôn chạy đáo nhiều ngày, qua nhiều BV khác nhau những mong kiếm được một chỗ cho ông. Sau khi nhận những cái lắc đầu với cùng một lý do “BV đã quá đông người chạy thận nhân tạo”, vợ con ông đã bàn chắc phải bán vài công đất để có tiền đưa ông đi BV tư chạy thận.

“May sao trong một lần đi chợ, vợ tôi nghe người ta nói có thể BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM còn chỗ chạy thận. Nghe xong gia đình liên hệ luôn và được BV nhận. Mừng ghê!” - ông H nói.

Nơi quá tải, nơi sắp quá tải

BS Phan Chí Thịnh, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo BV quận 11, cho biết BV có chín máy chạy thận nhân tạo. Mỗi ngày, các máy hoạt động liên tục năm ca (3-4 tiếng/ca) nhưng chỉ có thể phục vụ 90 lượt bệnh nhân, trong khi nhu cầu được chạy thận rất cao.

“Khi bệnh nhân điều trị tại BV quận 11 có chỉ định chạy thận nhân tạo, chúng tôi liên hệ các BV khác nhờ hỗ trợ song rất hiếm được đồng ý vì họ cũng quá tải. Mỗi tháng có khoảng 6-7 người đến BV quận 11 liên hệ được chạy thận nhân tạo nhưng BV phải từ chối. Nhìn bệnh nhân khi ấy chúng tôi rất xót” - BS Thịnh chia sẻ.

BS Quách Thanh Hưng, Giám đốc BV Nguyễn Trãi, chia sẻ BV Nguyễn Trãi hiện có 20 máy chạy thận và hiện cũng trong tình trạng quá tải. Do quá đông người chạy thận nên mỗi khi có thêm bệnh nhân đang điều trị tại BV có chỉ định chạy thận thì phải “tùy cơ ứng biến”. Trả lời câu hỏi tại sao BV không lắp đặt thêm máy chạy thận, BS Hưng cho biết quy trình lắp đặt máy không hề đơn giản, cần phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng.

Bà Đỗ Thị Kim Yến, phụ trách điều dưỡng trưởng Đơn vị thận nhân tạo BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, cho biết BV có 23 máy chạy thận nhân tạo. “Nếu hoạt động ba ca mỗi ngày, BV có thể phục vụ cho 69 bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện nay mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân chạy thận nên BV vẫn có thể nhận thêm bệnh nhân từ nơi khác chuyển đến” - bà Yến cho biết thêm.

Lý giải nguyên nhân BV chưa bị quá tải như nhiều nơi, bà Yến nói: “Tại đây có nhiều bệnh nhân được BV khác trên địa bàn TP và các tỉnh gửi đến chạy thận, khi có chỗ trống họ lại đưa bệnh nhân về. Ngoài ra còn có những trường hợp mất khi đang chạy thận tại BV do tuổi già”. Đồng thời, bà cũng cho hay với số lượng bệnh nhân ngày càng tăng như hiện nay, có thể BV cũng sẽ bị quá tải trong thời gian không xa.

Bệnh nhân chạy thận tăng nhanh

Trước tình trạng quá tải điều trị chạy thận, Sở Y tế TP.HCM đã có buổi họp với các BV đầu ngành và chuyên gia để thảo luận, đánh giá nhu cầu chạy thận nhân tạo và khả năng cung ứng của các BV.

Các chuyên gia dự báo nếu các BV có triển khai kỹ thuật chạy thận và số máy chạy thận không thay đổi thì nguy cơ quá tải chạy thận nhân tạo là khó tránh khỏi. Đồng thời sớm củng cố mạng lưới cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận. Trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực (từ ngân sách hoặc có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các BV) để giúp tất cả BV tuyến quận, huyện có đủ điều kiện triển khai chạy thận cho người bệnh trên địa bàn.

TRẦN NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/benh-vien-qua-tai-benh-nhan-vat-va-tim-noi-chay-than-post735630.html