Bệnh viện Quân y 211 cứu sống một bệnh nhân bị rắn độc cắn

Sáng 17-9, sau 10 ngày nhập viện và được bác sĩ Bệnh viện Quân y 211, Cục Hậu cần, Quân đoàn 3 cấp cứu, điều trị, bệnh nhân Nguyễn Văn Hiệp (sinh năm 1991), thường trú tại phường Yên Thế, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai bị rắn độc cạp nia cắn đã qua cơn nguy kịch.

Theo chị Nguyễn Thị Hoan (27 tuổi) người nhà bệnh nhân, ngày 8-9, anh Hiệp đi sang nhà hàng xóm chơi thì bị rắn quấn vào chân và cắn vào tay. Khi người trong gia đình đánh chết con rắn thì mới biết đó là rắn cạp nia, một loài rắn cực độc khi cắn người khó cứu sống, nên đã nhanh chóng đưa anh vào Bệnh viện Quân y 211 cấp cứu.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Hiệp cùng con rắn khi mới nhập viện.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Hiệp cùng con rắn khi mới nhập viện.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Quân y 211 tiếp nhận Nguyễn Văn Hiệp trong tình trạng ổn định, ở mu bàn tay phải có hai vết móc độc rỉ máu, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn bệnh nhân có biểu hiện khó thở, sụp mí mắt, giãn đồng tử tối đa, đau họng, nói khó, há miệng hạn chế và diễn tiến ngày một nặng. Để cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, Bệnh viện Quân y 211 đã liên hệ với hai Trung tâm Chống độc ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhưng không có huyết thanh kháng nọc độc rắn cạp nia.

Để kịp thời cứu sống bệnh nhân, Đại tá, Bác sĩ Lê Quyết Thắng, Chủ nhiệm khoa Hồi sức, Cấp cứu cùng đội ngũ y sĩ, bác sĩ đã nhanh chóng tổ chức phác đồ điều trị. Đầu tiên, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản và thở máy; tiếp tục dùng thuốc điều chỉnh rối loạn điện giải, rối loạn tim mạch, phòng được biến chứng xẹp phổi, loét do thở máy, liệt kéo dài và khô mắt... kết hợp nuôi dưỡng đầy đủ chất lượng.

 Anh Hiệp sau 10 ngày được Bệnh viện quân y 211 cấp cứu, điều trị, đã qua cơn nguy kịch

Anh Hiệp sau 10 ngày được Bệnh viện quân y 211 cấp cứu, điều trị, đã qua cơn nguy kịch

Sau thời gian điều trị, anh Hiệp đã hồi phục, cai được máy thở và ăn được cháo; hoạt động tứ chi bình thường. Việc cứu sống bệnh nhân Nguyễn Văn Hiệp bị rắn độc cạp nia cắn trong đêm, là một thành công lớn của Khoa Cấp cứu - Hồi sức nói riêng, Bệnh viện Quân y 211 nói chung.

Theo các nhà khoa học, rắn cạp nia là một trong số loài rắn độc nhất trên thế giới. Nọc rắn cạp nia có chứa các độc tố hậu synapse. Nọc rắn cạp nia có thể chứa độc tố kiểu natriuretic peptide tăng thải natri qua thận dẫn tới hạ natri máu. Khi bị rắn cạp nia cắn, hầu hết các trường hợp sẽ bị liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được nhanh chóng đưa tới các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời, tích cực với các biện pháp cấp cứu, hồi sức, đặc biệt là nhanh chóng cho bệnh nhân thở máy… Khi bị rắn cạp nia cắn, tỷ lệ tử vong lên đến 75%.

Tin, ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/benh-vien-quan-y-211-cuu-song-mot-benh-nhan-bi-ran-doc-can-635405