Bệnh viện tư vẫn tự xoay xở chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19
Sau một thời gian tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 để giảm tải cho hệ thống công lập, đến nay nhiều cơ sở y tế tư nhân bắt đầu 'đuối' khi tiềm lực tài chính giảm dần theo thời gian kéo dài của dịch bệnh.
"Gồng mình" giảm tải cho bệnh viện công
Khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, số ca bệnh liên tục tăng, hệ thống bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải… nhiều bệnh viện tư nhân có tiềm lực trên địa bàn TP. HCM đã tình nguyện “xắn tay áo” tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Bệnh nhân đầu tiên được Bệnh viện điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức điều trị khỏi bệnh.
Để chia sẻ gánh nặng này với hệ thống bệnh viện công lập, hầu hết các cơ sở y tế tư nhân như: Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Thủ Đức, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện FV, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn và Bệnh viện quốc tế City đều xác định là phải “gồng mình” điều trị miễn phí cho bệnh nhân Covid-19.
Hiện chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 tùy vào mức độ bệnh, tuy nhiên luôn cao hơn gấp nhiều lần chi phí điều trị các bệnh thông thường. Bệnh nặng phải điều trị chăm sóc tích cực (ICU) mất khoảng 20-50 triệu đồng/ngày cho thời gian điều trị từ 30 - 60 ngày. Người bệnh nhẹ hơn mỗi ngày cũng khoảng 5-10 triệu đồng, trong đó có những loại thuốc giá lên đến 10-15 triệu đồng.
Trong khi đó, sau khi chuyển đổi công năng, các bệnh viện phải đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc và thuốc điều trị hỗ trợ... rồi phải tăng lương, phụ cấp cho nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19. Chi phí tăng, trong khi không có nguồn nguồn thu nên tình trạng dịch bệnh kéo dài đang khiến nhiều bệnh viện tư bắt đầu "đuối".
Để tiếp tục duy trì hoạt động điều trị cho bệnh nhân Covid-19, trong khi chưa nhận được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, nhiều cơ sở y tế tư nhân vẫn tự xoay sở để hoạt động.
Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, để có chi phí chăm sóc điều trị cho 200 bệnh nhân Covid-19, bên cạnh kêu gọi các tình nguyện viên, những bác sĩ, điều dưỡng có tay nghề bên ngoài chung tay góp sức tham gia.
Dịch bệnh căng thẳng, bệnh nhân nhập viện tăng, đồng nghĩa với việc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn phải tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Vì vậy Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn bắt đầu "đuối" trong việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng là điều dễ hiểu.
Ngay cả Tập đoàn y khoa tư nhân lâu đời nhất Việt Nam, Bệnh viện điều trị Covid Hoàn Mỹ Thủ Đức cũng phải thừa nhận “bệnh viện vẫn phải "gồng" để duy trì điều trị cho người bệnh Covid-19".
Không nên để doanh nghiệp tự xoay sở
Tiềm lực cạn kiệt, đứng trước nguy cơ phải tạm ngưng tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn phải xoay sở đủ đường để tạo nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Trong đó có việc gửi thư ngỏ kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân… ủng hộ, hỗ trợ hoạt động điều trị bệnh nhân Covid-19. Và đỉnh điểm là việc "vận động" ủng hộ như thu viện phí người nhà một bệnh nhân Covid-19 đến gần nữa tỷ đồng mà dư luận lùm xùm trong những ngày qua.
Thư kêu gọi ủng hộ mà nhiều bệnh nhân điều trị Covid-19 đã nhận được khi đưa về Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn điều trị.
Qua tìm hiểu, hầu hết các bệnh viện tư tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 đều rất cần sự ủng hộ của xã hội để hoạt động điều trị được tốt nhất có thể. Tuy nhiên đó không phải là nguồn thu duy nhất quyết định đến duy trì hoạt động của bệnh viện. Hiện, ngoài việc chữa trị bệnh Covid-19 hoàn toàn miễn phí, còn lại các khoản khác như: Tiền phòng, viện phí điều trị các bệnh nền khác, dịch vụ sinh hoạt... thì bảo hiểm và bệnh nhân phải trả.
Lãnh đạo Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức cũng cho rằng, việc chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị Covid là một quyết định táo bạo của một doanh nghiệp y tế tư nhân. Bởi, hơn cả những thiệt hại về tài chính không thể lường trước được, là trách nhiệm nặng nề đối với ngành y tế, với hàng ngàn bệnh nhân sẽ được điều trị tại nơi đây và đặc biệt là sự an nguy của hơn 300 nhân viên và gia đình của họ.
Bà Lê Thị Loãn - Phó giám đốc Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết, bệnh viện đang điều trị khoảng 160 bệnh nhân mắc Covid-19, lượng bệnh nhân xuất viện trung bình 8 - 9 người/ngày, tức tăng 150% so với những ngày đầu vừa đi vào hoạt động. Theo đó, tất cả các chi phí đầu vào tăng lên nên bệnh viện chịu áp lực không nhỏ trong việc cân đối tài chính.
Đội ngũ bác sĩ vui mừng khi có bệnh nhân khỏi bệnh, được trở về với gia đình.
Theo bà Lê Thị Loãn, trước những khó khăn của các bệnh viện tư nhân, UBND TP. HCM đã có văn bản kiến nghị lên Bộ Tài Chính xem xét. Hiện bệnh viện đang chờ hướng dẫn từ chính quyền và cơ quan chức năng để có định hướng hoạt động ổn định hơn.
Một cán bộ của Sở Y tế TP. HCM cũng cho biết, những khó khăn của các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, Sở cũng đã văn bản tham mưu UBND TP. HCM kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính xem xét, tạo hành lang pháp lý cho phép các bệnh viện tư nhân này được phép thu phí dịch vụ điều trị Covid-19 như các loại bệnh khác. Tuy nhiên đến nay Bộ Y tế và Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản chấp thuận cho phép cơ sở y tế tư nhân được điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và được thu phí dịch vụ.
Trong bối cảnh hiện nay, việc điều trị bệnh nhân Covid-19 là việc làm cấp thiết, liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cần sử dụng ngân sách nhà nước chi trả phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19, vì không thể để các bệnh viện tư nhân gồng gánh chi phí điều trị các bệnh nhân Covid-19 mãi được.
Được biết, trong văn bản gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính, UBND TP. HCM có kiến nghị tạm thời sử dụng ngân sách Nhà nước để thanh toán cho các cơ sở y tế tư nhân chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Thông tư số 13/2019 và Thông tư số 14/2019 của Bộ Y tế.