Bệnh viện tuyến cuối Nghệ An diễn tập phòng dịch COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa an toàn hoạt động khám, chữa bệnh song song với phòng chống dịch lây lan tại bệnh viện. BV HNĐK Nghệ An tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch COVID-19.
Khoa Khám bệnh - một trong những khoa cửa ngõ đầu tiên của bệnh viện HNĐK Nghệ An, mỗi ngày tiếp nhận khám từ 1.800 - 2.000 bệnh nhân.
Trong số đó, có thể có bệnh nhân đến từ vùng dịch tễ, bệnh nhân mắc COVID-19 vì vậy việc diễn tập các tình huống giả định tại khoa Khám bệnh là hết sức cấp thiết.
2 tình huống giả định được đưa ra.
Tình huống 1: Bệnh nhân khai báo không trung thực đã lọt qua các cửa sàng lọc ở cổng ra vào.
Điểm hướng dẫn lấy số thứ tự; tại tiếp đón một cửa để vào phòng khám. Khi vào đến phòng khám nhân viên được hỏi bệnh thăm khám và được phát hiện có yếu tố dịch tễ COVID-19.
Tình huống 2: Bệnh nhân cũng đã qua các cửa sàng lọc đi vào phòng khám. Tại đây, bệnh nhân được bác sỹ hỏi bệnh, thăm khám chỉ định dịch vụ cận lâm sàng như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp phim.
Sau khi có kết quả cận lâm sàng bệnh nhân có chỉ định nhập viện.
Cùng với thông tin bệnh nhân đã khai báo bổ sung và kết quả thăm khám xác định đây là ca nghi ngờ nhiễm COVID-19.
Về hai tình huống này khoa Khám bệnh triển khoanh vùng cách ly phù hợp để phục vụ cho công tác truy vết.
Tạo các lớp barrie quanh khu vực phòng khám có bệnh nhân nghi ngờ. Khoanh vùng thứ nhất trong phạm vi 2m trước cửa phòng khám đó.
Khoanh vùng thứ hai là khu vực bệnh nhân đã thực hiện dịch vụ cận lâm sàng, khoanh vùng tiếp theo phụ thuộc vào sự di chuyển của bệnh nhân trong phạm vi khoa Khám bệnh, bệnh viện.
Việc khoanh vùng đúng, tuyên truyền bệnh nhân hợp tác ở yên tại chỗ sẽ giúp cho việc truy vết phân loại F1, F2, F3 một cách thuận lợi, dễ dàng. Góp phần cho phòng, chống dịch thành công.
Ông Nguyễn Văn Hương - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An chia sẻ, việc diễn tập nhằm mục tiêu nâng cao năng lực tổ chức, thực hiện, phản ứng nhanh cho cán bộ, nhân viên y tế không bị lo lắng và lúng túng khi có tình huống thật xảy ra; tổ chức khoanh vùng, cách ly tại chỗ toàn bộ khu vực có ca bệnh xác định mắc COVID-19 để dập dịch triệt để, không để dịch lây lan sang các khu vực khác.
Tại Khoa Cấp cứu - mỗi ngày tiếp nhận, khám, cấp cứu cho hơn 200 bệnh nhân, trong số đó có nhiều bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nhân từ vùng dịch tễ có dịch… nên ba tình huống giả định được đặt ra.
Thứ 1: Bệnh nhân có tình trạng không tối cấp cứu, có yếu tố dịch tễ COVID-19 được vận chuyển tới khoa Cấp cứu.
Thứ 2: Bệnh nhân có tình trạng suy hô hấp viêm phổi, có yếu tố dịch tế COVID-19; Tình huống 3: khoa Cấp cứu tiếp nhận cấp cứu thảm họa (tai nạn tập thể), có bệnh nhân nghi ngờ nhiễm COVID-19.
Đối với tình huống thứ nhất Khoa Cấp cứu đã tạo vạch đỏ điểm dừng khai báo y tế, tránh nguy cơ lây nhiễm của bệnh nhân trên xe cứu thương đối với khu vực khoa Cấp cứu.
Tình huống 2: cần đảm bảo chức năng sống của bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19, đồng thời cách ly hoàn toàn bệnh nhân ở khu đệm, cũng như không làm ảnh hưởng tới việc xử trí đối với các bệnh nhân cấp cứu khác và đảm bảo an toàn với bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế.
Tình huống 3: công tác cấp cứu tất cả bệnh nhân diễn ra bình thường, xây dựng phương án cách ly toàn bộ khoa Cấp cứu và thành lập đơn vị cấp cứu tại 1 vị trí khác (khu tiếp đón khoa Khám bệnh), phân luồng bệnh nhân vào khám Cấp cứu ở vị trí mới. Xét nghiệm cho bệnh nhân cấp cứu nặng nghi nhiễm COVID-19 tại khu cách ly của khoa Cấp cứu.
Buổi diễn tập tại Trung tâm bệnh nhiệt đới được triển khai dựa trên ba tình huống giả định bao gồm:
Tình huống 1, tiếp nhận ca bệnh COVID-19 dương tính chuyển vào khu điều trị cách ly.
Tình huống 2, tiếp nhận ca bệnh COVID-19 dương tính thở máy chuyển vào khu điều trị cách ly.
Tình huống 3, tiếp nhận ca bệnh COVID-19 dương tính có dấu hiệu chuyển dạ chuyển vào khu điều trị cách ly.
Với mỗi tình huống xảy ra đều được giải quyết bằng những phương án tiếp nhận, cách ly, điều trị khác nhau nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người bênh cũng như nhân viên y tế.
Trong tình huống 2, điều quan trọng lả phải hạn chế tối đa việc lây nhiễm khi chuyển bệnh nhân từ bóp bóng nội khí quản sang máy thở.
Tại tình huống 3, bệnh viện cử đội thường trực bao gồm một bác sĩ, một nữ hộ sinh, sản phụ được chuẩn bị đỡ đẻ, em bé sinh ra sẽ được điều dưỡng chăm sóc tại phòng cách ly và theo dõi.
Trong trường hợp cần phải phẫu thuật, bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị để có thể phẫu thuật ngay trong phòng mổ khu vực cách ly.
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19, chiều 28/5/2021, Bệnh viện HNĐK Nghệ An nâng mức độ diễn tập phức tạp hơn khi F0 xuất hiện tại nhiều khoa buộc phải cách ly toàn tầng 5.
Buổi diễn tập được diễn ra với hai tình huống phát hiện bệnh nhân F0 tại khoa Nội A – Lão khoa và khoa Thần kinh theo như kịch bản.
Các các phương án chi tiết để tổ chức khoanh vùng, cách ly tại chỗ bệnh nhân F0, các bệnh nhân và nhân viên F1 và F2.
Các phương án vận chuyển bệnh nhân F0 đến khu cách ly của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới; cách bố trí các phòng cách ly, phòng thay đồ PPE; tổ chức truy vết và cách ly các khoa liên quan; cũng như các phương án hỗ trợ hậu cần khi cách ly toàn bộ tầng 5 (gồm Trung tâm Đột quỵ, khoa Thần kinh và khoa Nội A – Lão khoa)… được cán bộ y tế trong các khoa trong tầng 5 và các phòng liên quan như phòng Hành chính Quản trị, phòng Vật tư -TBYT, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới… phối hợp thưc hiện khá thuần thục và đúng theo kịch bản.
Phương án động viên, trấn an người nhà để họ cách ly tại chỗ tránh hoang mang, đi lại lộn xộn tăng nguy cơ lây nhiễm cũng được nhân viên thực hiện tốt.