Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng phẫu thuật thay van tim sinh học cho người bệnh
Sau 24 năm mổ lắp van tim, người phụ nữ 67 tuổi ở Hồng Bàng, Hải Phòng thấy cơ thể bị yếu dần, mệt và khó thở nên đã đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp kiểm tra. Tại đây, qua thăm khám, xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán suy tim, van từng thay đã không thể hồi phục.
Theo thông tin Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cung cấp, bệnh nhânT.T.T.T, 67 tuổi (Hồng Bàng, Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng khó thở, mệt mỏi. Bệnh nhân từng phát hiện mắc bệnh tim cách đây 24 năm, đã được mổ tách van 2 lá nhiều năm tại BV Hữu nghị Việt Đức.
Sau khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ đã thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp hở van hai lá, hở van ba lá, suy tim, rung nhĩ, hẹp động mạch mũ 60%. Van tim từng thay nay đã hỏng hẳn, không còn khả năng bảo tồn hay giữ được, buộc phải thay.
Sau khi cân nhắc và tìm hiểu, phía gia đình người bệnh đã đề nghị, đăng ký cho bệnh nhân được phẫu thuật thay van tim sinh học tại Bệnh viện Việt Tiệp.
Theo đó, sáng 2/4, kip phẫu thuật gồm 3 nhóm chuyên trách (Phẫu thuật – Gây mê hồi sức – Vận hành máy tim phổi nhân tạo) đã phối hợp thực hiện, tiến hành mổ và thay van tim sinh học cho bệnh nhân T. Sau 6 tiếng phẫu thuật, ca mổ đã hoàn tất.
"Sau phẫu thuật, sáng nay (3/4), tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, ngừng thở máy, được rút ống nội khí quản từ sớm. Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tự thở tốt. Huyết động ổn định, đã giảm liều thuốc trợ tim", TS. Bác sĩ Nguyễn Thế May - PGĐ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết.
Đánh giá về ca mổ tim lần này, TS. BS Nguyễn Thế May cho hay: Để triển khai được phẫu thuật tim hở không phải bệnh viện nào cũng có thể triển khai được. Chuyên môn này đòi hỏi có sự đầu tư rất lớn và đồng bộ từ trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực; trong đó tính quyết định là yếu tố nhân lực. Theo đó, Bệnh viện đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho ca phẫu thuật này. Việc thực hiện thành công ca bệnh một lần nữa đánh dấu bước tiến mới của cơ sở y tế hạng 1 tuyến thành phố trong việc làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.
TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E – người có mặt hỗ trợ kip mổ BV Việt Tiệp thay van tim lần này, đánh giá: Thực ra, phẫu thuật mổ tim ở Bệnh viện Việt Tiệp đã diễn ra từ lâu, song do phẫu thuật này luôn có tính rủi ro cao và phức tạp nên khi triển khai cần có sự phối hợp đồng bộ rất lớn và cẩn thận nhất có thể. Đối với ca bệnh này, van tim đã quá hỏng, không còn khả năng hồi phục nên buộc phải thay. Ưu điểm của kỹ thuật thay van tim sinh học so với các loại van tim khác ở chỗ người bệnh không cần phải sử dụng kháng đông suốt đời.
Với sự phát triển vượt bậc trong y khoa hiện nay thì tỷ lệ thành công của phẫu thuật thay van tim hiện tăng lên đến 92 - 95%. Tuy nhiên, kết quả phẫu thuật còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như mức độ tổn thương của van tim, các tổn thương khác đi kèm, tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Phẫu thuật thay thế van tim đang ngày càng trở nên phổ biến với người bệnh tim. Có nhiều loại vật liệu được sử dụng để thay thế van, trong đó phổ biến nhất là van tim cơ học và van tim sinh học. Ngoài ra, còn có các mảnh ghép đồng loài được lấy từ mô của người chết. Các bác sĩ phải cân nhắc từng ưu điểm, nhược điểm ở mỗi trường hợp cụ thể để giải thích với bệnh nhân và gia đình chọn lựa loại van thay thế phù hợp nhất.
Ngoài ưu điểm của van tim sinh học (không phải sử dụng kháng đông suốt đời), nó có nhược điểm là mô van tự nhiên dị loài sẽ thoái hóa theo thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động của van và sẽ gây tình trạng tái hẹp, hở van nhân tạo. Vì vậy, sau một khoảng thời gian, bệnh nhân thường cần phẫu thuật lại để thay van mới.
Mời quý vị xem video trong phòng phẫu thuật thay van tim sinh học cho bệnh nhân của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng dưới đây: