Bệnh Whitmore: Từ nhầm tưởng đến tâm lý hoang mang
Bệnh Whitmore có thực sự nguy hiểm và phát triển thành dịch như mối lo ngại của nhiều người hay không. Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận tiếp tục có trao đổi với PGS. Bùi Vũ Huy chuyên gia, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để làm rõ vấn đề này.
PGS. Bùi Vũ Huy giảng viên cao cấp bộ môn Truyền nhiễm đại học Y Hà Nội – cố vấn khoa nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Lương Minh
Bệnh dễ nhiễm nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn
Theo nhiều trang thông tin đưa về con đường lây nhiễm bệnh whitmore, ngoài lây nhiễm qua vết xước khi tiếp xúc với môi trường nước, đất ô nhiễm thì bệnh whitmore có thể lây nhiễm qua không khí.
Nhiều người dân lo ngại bệnh sẽ lây nhiễm từ người sang người và tạo thành dịch bệnh nghiêm trọng. Theo đó gây tâm lý hoang mang đến đông đảo người dân. Nhiều trang hội nhóm kêu gọi tẩy chay thực phẩm ở các quê gửi ra, những thực phẩm trước đây được ca ngợi là thực phẩm sạch.
Tiếp nhận thông tin này, PGS. Bùi Vũ Huy giảng viên cao cấp bộ môn Truyền nhiễm đại học Y Hà Nội – cố vấn khoa nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định: “Đây là suy nghĩ phản khoa học. Bệnh whitmore có thể lây nhiễm qua đường không khí. Nhưng đó là sác xuất rất nhỏ bởi nó chỉ diễn ra trong môi trường ô nhiễm khói bụi nặng thì vi khuẩn mới có thể xâm nhập vào cơ thể con người có đề kháng kém.
Whitmore hoàn toàn không phải là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người khi tiếp xúc nói chuyện. Đó cũng không phải là virut ký sinh trên động, thực vật và con người. Đây chỉ là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, ít gặp ở người có sức khỏe bình thường.
Bệnh không dễ dàng lây lan, do đó người dân không phải quá lo lắng coi căn bệnh này là căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ. Theo đó, có những kiêng kị thái quá, cho rằng thực phẩm ở các vùng quê là thực phẩm không an toàn và tẩy chay là hoàn toàn sai lầm. Mọi thực phẩm đều sinh ra từ đất, nước. Tuy nhiên vi khuẩn whitmore không tồn tại trong thực phẩm. Kiêng kị như vậy là vô căn cứ”.
Giải thích rõ vấn đề này, PGS. Bùi Vũ Huy cho hay: Thời gian ủ bệnh này kéo dài từ 3 -21 ngày, trung bình là 10 ngày mới có biểu hiện phát bệnh. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh Whitmore không gây “rầm rộ”, dễ phát hiện như bệnh khác. Bệnh nhiễm khuẩn Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng.
Bệnh whitmore biểu hiện ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và thường biểu hiện sưng tuyến mang tai, vùng mặt... Ở người lớn bệnh thường thể hiện với biểu hiện như viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết.
Thông thường bệnh biểu hiện ở giai đoạn đầu như: Sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức… Những biểu hiện này giống nhiều bệnh lý thông thường nên thường làm cho người bệnh chủ quan, khó phát hiện bệnh. Và khi tới bệnh viện thì hầu hết đã chuyển sang giai đoạn phát bệnh.
Vi khuẩn Whitmore là vi khuẩn gram yếu nhưng có độc tính cao hơn một số vi khuẩn khác nên đối với những người có miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính thì bệnh thường diễn biến phức tạp, nặng nề hơn, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân đến sớm, có kháng thể tốt thì whitmore hoàn toàn có thể đẩy lùi. PGS. Bùi Vũ Huy khẳng định: “Vì đây là bệnh nhiễm khuẩn huyết, nên bệnh nhân có thể chữa khỏi trong khoảng 2 -3 tuần. Tùy theo người bệnh đến sớm hay đến muộn. Nếu bệnh nhân đến sớm, bản thân không mắc bệnh mãn tính, bác sĩ có thể vừa điều trị vừa đánh giá thì thời gian điều trị chỉ dừng ở 2 tuần là chữa khỏi dứt điểm.”
Cụ thể về liệu trình điều trị, ông cho biết thêm, hiện tại bệnh viện sử dụng thuốc Cefazidin để điều trị bệnh whitmore đang rất hiệu quả, thuốc này ở các tuyến huyện hoàn toàn có. Do vậy, người dân không quá lo lắng khi mắc căn bệnh này.
Đối với biến chứng nặng, PGS. Vũ Huy cho hay: “Tại bệnh viện Nhiệt đới trung ương, chúng tôi gặp nhiều trường hợp có biến chứng nặng, Những trường hợp này chúng tôi thường điều trị ít nhất 3 tuần. Sau khi, người bệnh hết sốt cộng thêm 3 ngày theo dõi. Nếu sau 3 ngày theo dõi không phát hiện còn ổ bệnh trong xương, hay trong máu thì bệnh nhân có thể ra viện và điều trị thêm kháng sinh phòng ngừa là đã khỏi hoàn toàn”.
Bệnh whitmore có nguy cơ tái phát cao
Theo PGS. Bùi Vũ Huy, bệnh whitmore nếu tuân thủ đúng pháp đồ điều trị của bác sĩ thì bệnh nhân sẽ được điều trị khỏi, không để lại biến chứng. Tuy nhiên, ghi nhận tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương có nhiều trường hợp bệnh nhân whitmore bị tái phát trở lại. Nguyên nhân là do người dân không hiểu cơ chế điều trị của bệnh, theo đó tự ý cắt thời gian điều trị. mới dẫn đến tình trạng tái bệnh.
Theo đúng liệu trình điều trị, sau khi người bệnh đã hoàn toàn ổn định về lâm sàng, cắt cơn sốt, sức khỏe đã được phục hồi thì phải tiếp tục uống thuốc dự phòng. Tuy nhiên, nhiều người bệnh khi thấy cơ thể khỏe lại, không thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ, không uống thuốc kháng sinh Biseptol để diệt hết mầm mống vi khuẩn vẫn còn trong máu.
Theo đó, vi khuẩn vẫn cư trú trong máu và xâm nhập trở lại khiến cho người bệnh bị tái phát. Ông dẫn chứng: “Điển hình là trường hợp Đông Anh mới đây, cả nhà có 3 bố con đều bị nhiễm whitmore đã đưa đi 3 bệnh viện nhưng đều không chữa khỏi vì “cứ đỡ một thời gian lại bị tái phát”.
Qua tìm hiểu, gia đình xác nhận không điều trị đủ liệu trình của bác sĩ, không uống thuốc dự phòng khi đã cắt cơn sốt. Do đó, bệnh đã tái phát. Tuy nhiên, sau khi bị tái phát lại, ông bố chủ quan chỉ đưa 2 bố con đi vì thấy triệu chứng rõ rệt và nặng hơn con nhỏ ở nhà. Sau đó, 2 bố con chữa khỏi, thì tiếp tục đứa con nhỏ ở nhà lại bị tái phát trở lại. Cuối cùng, cả 3 bố con đã được điều trị ở bệnh viện Nhiệt đới trung ương. Đến nay cả 3 đều được xuất viện và đã khỏi hoàn toàn”.
PGS. Bùi Vũ Huy đưa ra khuyến cáo, bệnh Whitmore là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Tuy chưa có vắc xin phòng ngừa, nhưng người dân hoàn toàn có thể tự phòng bệnh.
Trước những thông tin về sức khỏe, mỗi người dân nên tự trang bị kiến thức cho mình trên các trang thông tin chính thống. Trước hết là để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân. Sau là tránh tạo những thông tin thất thiệt để gây hoang mang dư luận, tạo tiền lệ xấu và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.
Theo đó, một số điểm cần lưu ý đối với bệnh whitmore, người dân cần nắm được là: Các vùng dịch tễ: Thanh Hóa, Nghệ An, … là những vùng có nhiều đồi núi, biển, thì người dân nơi cần nâng cao vệ sinh cá nhân và phòng tránh căn bệnh này. Đây là vùng có tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh Whitmore cao.
Mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất, tự chăm sóc sức khỏe bản thân để tăng đề kháng cho cơ thể.
Nếu trong lao động có vết xước phải rửa, vệ sinh ngay, băng bó ngay, để không có cơ hội cho vi khuẩn tấn công. Trong quá trình vệ sinh đảm bảo khử trùng tuyệt đối. Việc này sẽ giúp cho người bệnh ngăn chặn vi khuẩn whitmore xâm nhập. Tuy nhiên, khi bị thương, người bệnh phải để vết thương liền hẳn mới đi làm trở lại.
Đối với những người có cơ địa yếu như: Bệnh lý mãn tính, gan mãn tính, viêm gan, tim mãn tính, thận mãn tính, người già, người phụ nữ có thai...phải chăm sóc cẩn thận và hạn chế tiếp xúc với môi trường đất, cát cho đến khi vết thương ổn định, liền da.
Ngoài ra, PGS. Bùi Vũ Huy cũng khuyến cáo thêm: Bệnh cần được chữa dứt điểm. Bởi bệnh có nguy cơ tái phát cao khi không được điều trị đủ liệu trình.