Béo phì kìm hãm nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển

Theo một nghiên cứu công bố ngày 21/9, tỷ lệ béo phì gia tăng sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 3,3% GDP vào năm 2060, đặc biệt là làm chậm sự phát triển ở các nước thu nhập thấp.

Hiện nay chi phí béo phì tương đương 2,2% GDP toàn cầu hàng năm.

Hiện nay chi phí béo phì tương đương 2,2% GDP toàn cầu hàng năm.

Đây là nghiên cứu lần đầu tiên được công bố trên tạp chí BMJ Global Health, ước tính toàn cầu về tác động kinh tế của bệnh béo phì, đồng thời bao gồm sự khác biệt giữa các quốc gia.

Bệnh béo phì được xác định dựa trên chiều cao và cân nặng, được gọi là chỉ số khối cơ thể (BMI). Theo đó người lớn có BMI từ 30 trở lên được coi là béo phì. Béo phì không chỉ là vấn đề thẩm mỹ, nó còn làm tăng nguy cơ dịch bệnh và các vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường và cao huyết áp, tim mạch...

"Gần 2/3 số người trưởng thành hiện đang sống trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Và chúng tôi dự đoán tỷ lệ này sẽ cao hơn vào năm 2060", Rachel Nugent, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết bên lề cuộc họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Hiện nay, chi phí điều trị bệnh béo phì tương đương 2,2% GDP toàn cầu hàng năm. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi béo phì sẽ chiếm 11% GDP, và Trinidad và Tobago (10,2%).

Bệnh béo phì từ lâu được coi là vấn đề dành riêng cho các quốc gia có thu nhập cao, tuy nhiên bằng chứng cho thấy hơn 70% trong số 2 tỷ người thừa cân và béo phì trên thế giới sống ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình.

Béo phì tác động lớn tới nền kinh tế các quốc gia và nguồn nhân lực bằng cách giảm năng suất lao động, tuổi thọ và tăng chi phí khuyết tật, chăm sóc sức khỏe. Dự kiến trong 15 năm tới, chi phí cho bệnh béo phì sẽ lên tới hơn 7 nghìn tỷ USD tại các nước đang phát triển.

Yến Như

Theo Le Figaro

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/beo-phi-kim-ham-nen-kinh-te-cua-cac-quoc-gia-dang-phat-trien-d210560.html