Béo phì làm gia tăng trầm cảm và tự tử

Béo phì làm gia tăng trầm cảm và tự tử Theo bác sĩ, béo phì sẽ khiến chất lượng cuộc sống bệnh nhân bị giảm rõ rệt, các mối quan hệ xã hội bị thu hẹp, mất niềm tin vào bản thân, thậm chí có ý định tự tử.

ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết: "Béo phì, căng thẳng và trầm cảm có sự tác động qua lại với nhau. Béo phì cũng góp phần làm gia tăng sự trầm trọng của căng thẳng và trầm cảm.

Ngoài ra, người bị béo phì thường phải đối mặt với chất lượng cuộc sống bị giảm xuống rõ rệt, các mối quan hệ bị thu hẹp, mất niềm tin vào bản thân, phải chịu sự kỳ thị của những người xung quanh và có ý định tự tử. Đây cũng là những trở ngại về mặt tâm lý mà người bệnh béo phì có thể gặp phải".

Người béo phì thường có tâm lý tự ti, dễ bị ảnh hưởng đến đời sống, tình cảm (Ảnh minh họa)

Người béo phì thường có tâm lý tự ti, dễ bị ảnh hưởng đến đời sống, tình cảm (Ảnh minh họa)

Điển hình, gần đây Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân N.T.M.T (35 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đang gặp phải tình trạng thừa cân béo phì.

Theo chia sẻ, chị T. luôn có cảm giác mặc cảm, tự ti với cơ thể của mình. Trong 3 tháng gần đây chị thường có cảm giác lo âu, căng thẳng và ăn uống mất kiểm soát và thường xuyên mất ngủ, rất dễ cáu gắt.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị ảnh hưởng tâm lý bởi tình trạng béo phì. Bên cạnh đó chị còn mắc thêm các bệnh nền nguy hiểm khác như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

Ngoài tư vấn điều trị tâm lý, chị T. còn được bác sĩ chỉ định tư vấn điều trị béo phì chuyên sâu có sự kết hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau để tránh tình trạng ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý trong quá trình điều trị béo phì.

Theo các bác sĩ, những người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn rất nhiều so với những người bình thường. Với tâm lý chung là nôn nóng giảm cân nhưng lại ngại trao đổi với bác sĩ, tự áp dụng các các phương pháp và sản phẩm hỗ trợ giảm cân khi chưa tìm hiểu kỹ có thể khiến cho quá trình điều trị béo phì không đạt hiệu quả như mong muốn. Điều này có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý và sức khỏe của người bệnh.

Mặt khác, tình trạng căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh béo phì. Tâm lý căng thẳng kéo dài khiến cho các chức năng sinh học của cơ thể bị mất cân bằng, dẫn tới rối loạn trong quá trình trao đổi chất và gây ra tình trạng béo phì.

Căng thẳng cũng gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý, nhận thức, làm thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống một cách tiêu cực. Thậm chí, có thể khiến cho người bệnh rơi vào trầm cảm dễ hơn và nhanh hơn.

Điều trị béo phì là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm của người bệnh (Ảnh minh họa)

Điều trị béo phì là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quyết tâm của người bệnh (Ảnh minh họa)

"Điều trị béo phì là một quá trình lâu dài và phối hợp nhịp nhàng của đa chuyên khoa như Nội tiết, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng, Tâm lý và sự quyết tâm của người bệnh. Các chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ cho bệnh nhân tránh rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý cũng giúp cho người bệnh thay đổi hành vi thành công, nâng cao khả năng tự điều chỉnh từ đó hướng tới việc xây dựng và duy trì những thói quen lành mạnh, góp phần tích cực vào quá trình điều trị béo phì", ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Mẫn, người bệnh béo phì có nguy cơ trầm cảm cao hơn những người bình thường. Họ cần được hỗ trợ về mặt tâm lý trong thời gian dài, có thể là xuyên suốt quá trình điều trị béo phì để họ có thể vượt qua các trở ngại, đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn, nhanh hơn.

Kim Ngân

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/beo-phi-lam-gia-tang-tram-cam-va-tu-tu-d181665.html