Bếp ăn từ thiện tại Bình Dương: 20 người làm, mỗi ngày cung cấp 6.000 suất ăn miễn phí
Tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên có một bếp ăn từ thiện, với chỉ 20 người, nhưng mỗi ngày cung cấp khoảng 6.000 suất ăn miễn phí.
Bình Dương “soái ngôi” TP. HCM, áp lực khổng lồ lên công tác an sinh xã hội
Trong những ngày gần đây, dù không ai muốn, nhưng Bình Dương đã chính thức thay vị trí của TP.HCM, trở thành địa phương có nhiều ca F0 với virus SARS-COV-2 nhất cả nước.
Đơn cử, như trong ngày 27/8, cả nước ghi nhận 17.409 ca nhiễm mới, thì riêng Bình Dương đã ghi nhận 8.695 ca nhiễm, chiếm 50% tổng số ca nhiễm cả nước. Còn tính từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, cho tới nay, Bình Dương ghi nhận 94.745 ca F0, chiếm 24% tổng số ca nhiễm của cả nước.
Tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên có một bếp ăn từ thiện, với chỉ 20 người, nhưng mỗi ngày cung cấp khoảng 6.000 suất ăn miễn phí.
Ngoài các trường hợp đang điều trị Covid-19, Bình Dương hiện còn có hàng vạn người đang phải cách ly tập trung, điều này đã tạo một áp lực khổng lồ lên hệ thống an sinh xã hội của Bình Dương.
Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, ngay trong chính “tâm dịch”, rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã đóng góp 1 phần, hỗ trợ chính quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Đơn cử, tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên có một “mạnh thường quân”, mỗi ngày cung cấp gần hàng nghìn suất ăn miễn phí, tới các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thị xã.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Cường, vị “mạnh thường quân” đặc biệt tại Bình Dương chia sẻ: “Tôi, cũng giống như bao nhiều thế hệ người Việt Nam khác, đều mong muốn góp một phần công sức của mình, trong việc hỗ trợ chính quyền, phòng chống dịch bệnh”.
Có những trường hợp nông dân chân đất, tiền thì không có nhiều, nhưng họ sẵn sàng ủng hộ vài cân khoai, cân gạo, hoặc có các em học sinh, người nhỏ, sức nhỏ, nhưng vẫn tay nách, xách mang cả chục ký gạo tới điểm tiếp nhận.
Do đó, ông Cường đã quyết định thành lập bếp ăn tập thể lớn, kết hợp cùng với nhóm bếp ăn 0 đồng Hồng Tâm của ông Trần Tuân, cùng nhiều mạnh thường quân khác.
“Mọi người, không phân biệt giàu nghèo, họ đều có cách ủng hộ của riêng mình, thì tại sao bản thân tôi lại không đóng góp một phần công sức của mình vào trong đó”, ông Cường nói.
Được biết, ông Cường là chủ của một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm công nghiệp, đã có sẵn nền tảng và cơ sở hạ tầng. Do đó, ông Cường lựa chọn phương án cung cấp cho các cơ sở cách ly hàng vạn suất ăn miễn phí.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nghĩa nói: Khi thấy người dân bị cách ly tập trung với số lượng lớn như vậy khó có thể đảm bảo được ăn uống đầy đủ, hợp vệ sinh và đủ chất. Với số lượng người cách ly đông thì cũng khó có thể có cá nhân nào và thiết bị nào có thể nấu nổi số lượng cơm lớn đến vậy.
“Nhận thấy đơn vị mình có thể đáp ứng nấu hàng nghìn suất ăn phục vụ bà con nên tôi đứng ra cùng các thành viên trong công ty nấu suất ăn phục vụ bà con”, ông Cường chia sẻ về lý do thực hiện công việc thiện nguyện.
Kể từ ngày bếp ăn tập thể đi vào hoạt động (12/8), tính đến ngày 30/8, ông Cường đã khoảng 65.000 phần ăn đến người dân, có ngày, đơn vị này cung cấp gần 6.000 suất ăn/2 bữa.
Một người phải làm 300 suất ăn mỗi ngày
Hiện tại, trong bếp ăn của ông Cường, hiện có khoảng 20 người nấu nướng, phục vụ các trường hợp F0, F1 đang phải cách ly tập trung. Như vậy, nếu mỗi ngày cơ sở này cung cấp khoảng 6.000 suất ăn, thì với 20 người, bình quân mỗi người phải có trách nhiệm làm 300 suất ăn/ngày.
Dù vậy, tất cả mọi người trong cơ sở từ thiện này đều chưa bao giờ than thở về áp lực công việc. Cứ đến 4h sáng, mọi người lại tập trung lại, mỗi người một việc, người đi chợ, người phụ trách rau, người thổi cơm, người nấu nướng;...
“20 người một ngày nấu 6.000 suất ăn rất vất vả, nhưng mọi người đều có trách nhiệm, nên chưa có một anh, chị nào ngừng việc”, ông Cường cho biết thêm.
Ngoài áp lực về con người, bếp ăn từ thiện này còn gặp phải vô vàn khó khăn khác, từ khâu mua bán thực phẩm, nước mắm, gia vị, cho tới khâu giao hàng tới các địa điểm cách ly tập trung.
“Khoảng 5 ngày đầu chúng tôi đi giao đến những khu cách ly, nhưng 6 ngày sau thì không thể đủ nhân lực đi giao nên chúng tôi đã nhờ UBND phường đến lấy và đi giao giúp”, ông Cường nói.
Khi chia sẻ trên mạng về bếp ăn, nhiều người có nhã ý tới giúp, nhưng dịch bệnh đang căng thẳng, nên ông Cường thực hiện cách ly hoàn toàn với bên ngoài, để đảm bảo lực lượng còn phục vụ lâu dài.
“Khó khăn thì chúng tôi khắc phục, vì nếu người ngoài đến giúp vô tình mang mầm bệnh thì bếp ăn sẽ phải đóng cửa, như vậy nhiều người sẽ không có cơm ăn hàng ngày”, ông Cường bày trỏ.
Đặc biệt, dù chưa kêu gọi chính thức, nhưng thông qua mạng xã hội, cũng đã nhận được rất nhiều chia sẻ của các mạnh thường quân, người cho gạo, người cho rau, củ, quả, trứng… để góp phần cho bữa ăn thêm phong phú.
“Tôi là người phụ trách toàn bộ bếp ăn từ thiện này, tôi luôn động viên mọi người cùng cố gắng được phần nào, hay phần đó, miễn làm sao mang đến được cho người dân những món ăn ngon, ấm áp nghĩa tình nhất, để chờ ngày dịch bệnh đi qua”, ông Cường cho biết.
Bà Phạm Thị Thúy Hồng, Chủ tịch UBND Phường Hội Nghĩa cho biết: “Sau khi Hội Nghĩa bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, số ca dương tính rất nhiều, trở tay không kịp. Hội Nghĩa có rất nhiều mạnh thường quân cũng như có nhiều bếp ăn, tuy nhiên không thuận tiện vì một số bếp ăn công nghiệp cũng đã bị đóng cửa do có ca F0.
Khi đó, UBND phường trực tiếp nhờ ông Bùi Văn Cường nấu cơm phụ giúp. Trong quá trình nấu cũng có một số mạnh thường quân trong hội của ông Cường chung tay giúp đỡ. Còn góc độ địa phương cũng hỗ trợ các mạnh thường quân đem rau, củ, quả xuống cho công ty.
“Nhận được chia sẻ của ông Cường và công ty với địa phương, chúng tôi cũng ghi nhận và như nhiều người dân khác đều cảm thấy ấm lòng với hành động đẹp, ý nghĩa này”, bà Phạm Thị Thúy Hồng chia sẻ thêm.