Bếp cơm của chị Hoa

Gia đình chị Đỗ Thị Thúy Hoa (ngụ xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc) có 3 thành viên, nhưng nồi cơm của nhà chị mỗi lần nấu đến… 19kg gạo. Cơm chị nấu không chỉ cho gia đình, mà còn tặng cho những người khó khăn nơi mình sinh sống.

Chị Đỗ Thị Thúy Hoa (giữa) cùng các thành viên Bếp cơm 0 đồng sắp xếp dụng cụ nhà bếp chuẩn bị cho bữa nấu ăn tại căn bếp “dã chiến” trước sân nhà mình. Ảnh: Sông Thao

Chị Đỗ Thị Thúy Hoa (giữa) cùng các thành viên Bếp cơm 0 đồng sắp xếp dụng cụ nhà bếp chuẩn bị cho bữa nấu ăn tại căn bếp “dã chiến” trước sân nhà mình. Ảnh: Sông Thao

Hành động của chị Hoa đã được duy trì 2 năm qua, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn có thêm sự quan tâm, chia sẻ trong cuộc sống.

* Bếp cơm từ tình yêu thương

Chị Hoa cho hay, năm 2021, sau thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, vợ chồng chị muốn tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm khác thay vì hỗ trợ gạo, rau củ quả, gia vị như trong thời điểm dịch bệnh. Từ đó, vợ chồng chị bàn rồi đi đến thống nhất sẽ nấu cơm để tặng bà con ăn bữa trưa. Bởi chi phí, thời gian thực hiện hoạt động này phù hợp với một gia đình buôn bán nhỏ như nhà chị.

Vậy là một bếp ăn được bày ra ngay trước sân nhà chị. Ban đầu, 2 vợ chồng phân chia nhau mua nguyên liệu về sơ chế. Cơm và thức ăn được nấu rồi phân thành từng hộp để tặng người bán vé số dạo, những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Gia đình chị còn liên hệ để phát cơm tại bệnh viện. Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Ban Công tác Mặt trận ấp hỗ trợ giới thiệu các trường hợp khó khăn để tặng phần ăn.

Với những đóng góp của gia đình và bản thân trong thực hiện mô hình Bếp cơm 0 đồng, chị Đỗ Thị Thúy Hoa là một trong 57 cá nhân được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất UBND tỉnh tặng bằng khen Gương người tốt - việc tốt năm 2023.

Sau một thời gian, nhận thấy việc làm của vợ chồng chị Hoa có tác động tích cực nên 7 phụ nữ khác ở địa phương đã tự nguyện làm thành viên của bếp ăn. Cũng từ đó, 8 người phụ nữ phụ trách gian bếp, còn chồng chị Hoa làm người chở cơm đến bệnh viện, đến nhà bà con khó khăn.

Chị Phạm Thị Bình, thành viên bếp cơm cho hay, 8 thành viên mỗi người một nghề. Như bản thân chị cùng các thành viên: Đỗ Thị Thúy Hoa, Phạm Thị Mai Hoa, Lê Khánh Vân, Cao Thị Hạnh buôn bán; chị Ngô Hồng Ngọc Bình và Trần Thị Lai làm nội trợ tại nhà; chị Nguyễn Thị Luận là công chức UBND xã, nhưng tất cả đều có chung mong muốn giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi người tự tiết kiệm trong thu nhập hàng ngày để dành tiền, hỗ trợ nguyên liệu cho bếp cơm.

Chị Ngô Hồng Ngọc Bình cho biết thêm, hiện bếp cơm nấu vào thứ tư tuần thứ nhất và thứ ba hàng tháng. Chi phí cho bếp mỗi lần hơn 3 triệu đồng. Ngày nấu ăn, mọi người sắp xếp việc nhà để có mặt khoảng 5 giờ sáng rồi bắt đầu công việc.

Chị Phạm Thị Mai Hoa kể, có những thành viên do bận việc buôn bán cao điểm ở chợ vào buổi sáng nên không thể tham gia, nhưng đóng góp thịt, rau củ quả tích cực cho bếp ăn. Người nấu thì cố gắng nêm nếm cho thật vừa miệng của số đông. Nhờ vậy, hoạt động của bếp trôi chảy, mọi người hòa hợp trong công việc chung.

Chị ĐỖ THỊ THÚY HOA cho hay, bếp cơm đang duy trì đều đặn với sự hỗ trợ của cả nhóm. Khởi đầu và trong quá trình làm, cả nhóm không hướng đến việc được tuyên dương, khen thưởng mà chỉ muốn giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn. Song việc được chính quyền ghi nhận là niềm động viên để tập thể cùng cố gắng hơn nữa.

* Đến với hoàn cảnh khó khăn

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Hiệp Nguyễn Thị Luận, những phần ăn miễn phí của các thành viên Bếp cơm 0 đồng đã đem niềm vui đến với bà con có hoàn cảnh khó khăn. Trước thời điểm nấu ăn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Ban công tác Mặt trận ấp sẽ rà soát số bà con cần hỗ trợ phần ăn để trong quá trình phân chia số lượng không bỏ sót. Tuy nhiên, người dân ở khu dân cư mong muốn nhường lại cho người bệnh cùng thân nhân đang nội trú ở bệnh viện, người bán vé số dạo…, bởi họ có thể tự lo được. Do vậy, số người dân ở khu dân cư nhận không nhiều, có lần hầu như không có ai đăng ký. 230 suất ăn mỗi lần nấu đều đến đúng với những người cần giúp đỡ.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, qua những câu chuyện thực tế của gia đình chị Hoa cùng các thành viên Bếp cơm 0 đồng, bà đã ghi nhận, phổ biến đến Ban công tác Mặt trận ấp, người dân. Từ đó, ngày càng nhiều người mong muốn được góp công, góp của, tuy không nhiều nhưng tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng về thực hiện những việc làm tích cực.

Chị Đỗ Thị Thúy Hoa (trái) cùng thành viên Bếp cơm 0 đồng chuẩn bị cho bữa nấu ăn phục vụ bà con có hoàn cảnh khó khăn

Chị Đỗ Thị Thúy Hoa (trái) cùng thành viên Bếp cơm 0 đồng chuẩn bị cho bữa nấu ăn phục vụ bà con có hoàn cảnh khó khăn

Ngoài duy trì đều đặn bếp cơm, thời gian qua, gia đình chị Hoa cùng nhóm còn tự tiết kiệm để đến thăm, tặng quà các cơ sở bảo trợ xã hội, điểm có chăm sóc trẻ mồ côi, người già neo đơn, người khuyết tật ở địa phương.

Theo chị Phạm Thị Bình, nhiều điểm nuôi dạy trẻ nằm ở vùng sâu, vùng xa nên rất ít người biết đến để hỗ trợ, nên những hoàn cảnh sống tại đây cũng thiệt thòi hơn nơi khác. Vì vậy, khi cả nhóm tích lũy được số quà nhất định sẽ tìm đến trợ giúp. Riêng ở khu dân cư, chị Hoa cùng nhóm đã hỗ trợ gạo cùng các nhu yếu phẩm cho 45 hộ thuộc hộ nghèo, khó khăn.

Với nhiều trường hợp gia đình đã khó khăn nay gặp phải những trở ngại đột xuất khi bị đau yếu không tiền chữa trị, bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc người thân qua đời mà khó lòng tự tổ chức mai táng, chị Hoa cùng nhóm bếp 0 đồng là địa chỉ được tìm đến để nhờ cậy.

Theo bà Nguyễn Thị Luận, chị Hoa và nhóm Bếp cơm 0 đồng rất tích cực trong vấn đề này. Từ đó xây dựng nên địa chỉ nhân đạo ở địa phương để trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn.

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202312/bep-com-cua-chi-hoa-9db5d5f/