Bếp củi của mạ
Ở quê, mạ cũng đã dùng bếp ga để nấu nướng từ lâu. Nhưng mạ vẫn giữ lại gian bếp cũ cùng với cái bếp củi để nhà có công việc gì nấu cho nhanh. Đây cũng là nơi mạ ngồi sưởi ấm mỗi ngày suốt cả mùa đông. Đó cũng là nơi mạ đợi chúng tôi, những đứa con gái lấy chồng xa quây quần bên mạ những lúc có dịp về quê...
Đang chuẩn bị cho con đi ngủ thì tôi nhận được tin của dì, cùng lời nhắn: "Nhớ nhà không? Dì tặng cho tấm ảnh này". Kèm theo đó là hình ảnh bếp củi nhà tôi đang đỏ lửa. Ngồi quây quần bên bếp là cậu, dì và mạ.
Nhìn ngọn lửa ấm áp, nước mắt tôi chực trào. Không chỉ vì nhớ mạ, nhớ nhà mà vì hạnh phúc. Bởi ở cái tuổi ngoài 60, 70 rồi mà anh, chị, em của mạ người ở Bắc, người ở Trung... cách nhau cả ngàn cây số vẫn có những “cuộc hẹn” giữa mùa đông để cùng quây quần bên bếp củi ấm nồng. Không có mặt ở đó, nhưng tôi như mường tượng được những câu chuyện mà cậu, dì, mạ tôi đang kể cho nhau nghe. Đó chắc chắn là những kỷ niệm, những ký ức đẹp của mấy anh, chị, em khi ông mệ ngoại tôi còn sống. Và tôi chỉ thầm ước, những người thân yêu “đã có tuổi” của mình sẽ thật khỏe mạnh, để những khoảnh khắc quý giá đó được lặp lại mỗi năm.
Mấy chị em tôi cũng vậy, cứ về nhà là lại xúm nhau ra bếp củi ngồi. Khi thì nấu ấm nước, khi thì luộc nồi khoai, nướng củ sắn... vừa nấu vừa chuyện trò. Ấm nước sôi, nồi khoai chín... thì những câu chuyện từ những năm xưa cũ cứ thế được kể lại. Đó chính là những kỷ niệm của những tháng năm khó khăn, vất vả nhưng luôn ấm cúng, đủ đầy cả ba và mạ. Điều mà giờ đây chị em tôi không bao giờ có được, bởi ba tôi đã về với ông bà cũng đã hơn 5 năm.
Trong vô vàn những kỷ niệm, thì mùi cơm khê lẫn mùi khói trong mỗi bữa cơm tôi được mạ giao nhiệm vụ canh lửa, nhưng do khi còn nhỏ chưa biết canh lửa sao cho vừa là tôi nhớ nhất. Tôi nhớ, đi làm đồng về mệt, nhưng chẳng bao giờ ba, mạ chê cơm tôi nấu dở, nấu khê hay nấu cháy. Mà thay vào đó chỉ là những lời động viên, hay lời khen ấm áp của ba: “Cơm cháy này mà ăn với canh nóng thì còn gì bằng...”.
Cứ thế, những câu chuyện cũ, chuyện mới bên gian bếp củi cùng những làn khói trắng hòa quyện vào nhau. Tiếng cười có, những khoảnh khắc lắng lại, cùng nỗi nhớ thương cũng có... chị em tôi luôn trân quý từng khoảnh khắc khi trở về bên mạ, bên bếp củi của mạ.
Quê tôi ở ngay sườn núi vì thế mà những buổi sáng mùa đông đã lạnh lại càng lạnh hơn, từng làn gió thổi thêm buốt. Nhưng mỗi sáng thức dậy, nhìn ánh lửa được mạ nhen lên, ánh lửa bập bùng bên gian nhà cũ, những làn khói len qua từng viên ngói rồi hòa vào bầu trời trong vắt như xua đi cái lạnh của những ngày đông. Những ánh lửa tỏa sáng rực cả một không gian, dáng mạ lui hui thổi lửa. Những thanh củi khô bắt đầu cháy đượm, những viên than hồng cũng được rớt xuống. Những viên than này sẽ được mạ ủ lại bằng một lớp mun mỏng, để căn bếp luôn có hơi ấm suốt cả ngày. Khi cần nấu hoặc ngồi sưởi, mạ mới chêm thêm củi. Với tôi, bóng dáng của mạ, cũng chính là bóng dáng của quê hương - miền quê còn nhiều vất vả nhưng luôn bao bọc và nuôi lớn chúng tôi nên người.
Mùi của bếp lửa, mùi của từng làn khói cũng chính là mùi của của nỗi nhớ, niềm thương khi mùa đông về. Để rồi thương vô ngần bếp củi của mạ.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/bep-cui-cua-ma-150003.html