Beton 6 liên quan ông Trịnh Thanh Huy sắp bị DATC xử lý nợ
Ngày 25/11, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cho biết đang xây dựng phương án mua, xử lý khoản nợ tại Công ty Cổ phần Beton 6 (UPCoM: BT6).
Theo đó, DATC thông báo các nhà đầu tư có nhu cầu tham gia hợp tác xử lý nợ thì nộp hồ sơ về DATC cùng trao đổi, thống nhất hợp tác xử lý nợ. Thời gian nộp hồ sơ đề xuất đến ngày 02/12.
Beton 6 đang vay nợ những ngân hàng nào?
Về tình hình vay nợ tài chính, theo báo cáo tài chính năm 2018, Beton 6 đang vay ngắn hạn 358 tỷ đồng và dài hạn hơn 4 tỷ đồng.
Chi tiết về tình hình vay ngắn hạn, Beton 6 chủ yếu vay Vietinbank (188 tỷ đồng), Vietcombank (64 tỷ đồng), Eximbank (63 tỷ đồng), Quốc Dân (30 tỷ đồng).
Trong đó vay Eximbank là tín chấp, còn vay Quốc Dân (NCB) được đảm bảo bằng quyền đòi nợ đã hình thành hoặc hình thành trong tương lai từ các hợp đồng thi công cung ứng sản phẩm với lãi suất 8,5%/năm.
Với hai khoản vay Vietinbank và Vietcombank, Beton 6 thế chấp bằng các khoản phải thu khách hàng với số tiền lần lượt là 58 tỷ đồng và 70 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2018, phải thu ngắn hạn khách hàng của Beton 6 vẫn duy trì ở mức cao với 385 tỷ đồng, vì thế công ty đã phải trích lập dự phòng khó đòi tới 164 tỷ đồng.
Beton 6 ghi nhận tới 393 tỷ đồng nợ quá hạn từ 6 tháng đến trên 3 năm tính đến thời điểm cuối năm 2018.
Điều đáng nói, Beton 6 cho biết, Công ty đã gửi thư xác nhận công nợ cho khách hàng, đối tác nhưng một số khách hàng đã không phản hồi, xác nhận.
Chính điều này khiến Công ty không thể thu thập đầy đủ công nợ để đánh giá khả năng thu hồi các khoản công nợ phải thu quá hạn thanh toán với số tiền hơn 57 tỷ đồng cũng như số dự phòng cần phải trích lập cho các khoản nợ phải thu quá hạn này, dẫn đến việc báo cáo tài chính 2018 có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán.
Cũng theo đơn vị kiểm toán, báo cáo tài chính 2018 của Beton 6 có nhiều điểm cần nhấn mạnh.
Thứ nhất, hiện nay Công ty không thể sử dụng hóa đơn theo quyết định của Cục thuế tỉnh Bình Dương ngày 19/12/2018 về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do không chấp hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền phạt chậm nộp.
Thứ hai, trong năm 2018, Beton 6 đã ghi nhận khoản đầu tư vào CTCP 3D bằng việc cấn trừ công nợ phải thu từ Hợp đồng hợp tác đầu tư số 11/HDTDT/BT6-TV ngày 11/11/2014 với Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phát triển Tân Việt và công nợ cá nhân ông Vũ Đức Lợi số tiền gần 118,5 tỷ đồng, đồng thời dự phòng 100% cho khoản đầu tư này do đánh giá không có khả năng thu hồi từ tài sản thuần hiện có của 3D.
Thứ ba, theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 28/12/2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cấp, Beton 6 đầu tư vào CTCP Xây dựng và Kỹ thuật H&B 200 tỷ đồng, tương đương 44,44% vốn điều lệ bằng hiện vật (tài sản) nhưng giá trị còn lại của tài sản góp vốn chỉ 5,7 tỷ đồng; và theo giá trị định giá lại tại thời điểm góp vốn là 200 tỷ đồng. Hiện, Beton 6 vẫn chưa thực hiện các thủ tục để chuyển quyền sở hữu các tài sản góp vốn cho bên nhận vốn góp.
Kiểm toán cũng ghi nhận chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi các khoản công nợ phải thu quá hạn thanh toán với số tiền theo sổ sách hơn 57 tỷ đồng cũng như số dự phòng cần phải trích lập cho các nợ phải thu quá hạn này.
"Dấu ấn" ông Trịnh Thanh Huy tại Beton 6 là gì?
Beton 6 được thành lập năm 1958, Công ty từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường. Công ty cũng tiên phong chào sàn từ đầu năm 2002 và một thời gian dài được nhiều nhà đầu tư lớn (đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài) ưa thích.
Đáng chú ý, năm 2008, nhóm nhà đầu tư chiến lược HB Group đã nhảy vào Beton 6 với sự tham gia vào HĐQT của ông Trịnh Thanh Huy (cũng chính là Chủ tịch HĐQT HB Group).
Tuy nhiên, không biết tình hình cải tổ Beton 6 của nhóm nhà đầu tư mới này như thế nào mà công ty bắt đầu sa sút kể từ năm 2010-2011.
Và tới năm 2017, Beton 6 chính thức báo lỗ 139 tỷ đồng và năm 2018 tăng lên 323 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế của Beton 6 tới 342,5 tỷ đồng. Chưa kể, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 312 tỷ đồng, các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Công ty, ghi nhận bởi đơn vị kiểm toán.
Đáng chú ý với tài sản ngắn hạn, hiện Công ty đang phải trích lập đến 168 tỷ đồng (phải thu và hàng tồn), tương ứng 30% tài sản ngắn hạn.
Nợ ghi nhận 879 tỷ đồng, Công ty hiện có đến 394 tỷ giá trị nợ khó đòi, trong đó con số có khả năng thu hồi là 229 tỷ đồng.
Đến năm 2015, Beton 6 quyết định hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE, và tới tháng 3/2017 mới trở lại sàn UPCoM. Hiện cổ phiếu BT6 đang giao dịch èo uột với mức giá 1.500 đồng/cp với thanh khoản hầu như không có.
Từ ngày 7/10, cổ phiếu BT6 bị hạn chế giao dịch do không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị tạm ngừng giao dịch.
Ông Trịnh Thanh Huy cũng chính là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Bình Thiên An (BTA), từng học Học viện kỹ thuật quân sự tại Nga.
Ông là người cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh xây dựng tập đoàn Masan thành công tại Nga trước khi về Việt Nam.
Công ty BTA của ông nổi tiếng với hàng loạt thương vụ đình đám như thâu tóm Vinafco, Beton 6, Descon… cùng các dự án bất động sản lớn như Đảo Kim Cương (vốn đầu tư hơn 400 triệu USD) và Metropolis Thảo Điền (hơn 600 triệu USD) tại TP.HCM.