Bhutan tài trợ nghiên cứu Phật học tại Đức

Quỹ Phật giáo Bhutan Khyentse vừa công bố chương trình học bổng nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng và Phật học tại Đại học Ludwig Maximilian Munich (Đức) - một trong những trường đại học lâu đời nhất ở châu Âu.

Đại học Ludwig Maximilian Munich (Đức) trở thành trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng tại châu Âu

“Quỹ Khyentse đặc biệt chú trọng đến các viện học thuật và Phật học, hỗ trợ công tác nghiên cứu và giảng dạy Phật học. Quỹ khởi xướng chương trình tài trợ tại Đại học California, Berkeley vào năm 2006; tại Đại học Michigan năm 2018 và nay là tại Đại học Ludwig Maximilian (Munich, Đức)” - theo Anja Hartmann, phụ trách Ủy ban Phát triển học thuật của Quỹ Khyentse.

Đại học Ludwig Maximilian có mặt từ năm 1472, là trường đại học lâu đời thứ 6 tại Đức hoạt động không gián đoạn từ khi thành lập cho đến nay, với 42 học giả của trường từng đoạt Giải thưởng Nobel các lĩnh vực. Đây là ngôi trường lớn thứ hai tại Đức về số lượng sinh viên đào tạo, có hơn 200 môn học thuộc các lĩnh vực nghệ thuật, nhân văn cho đến khoa học tự nhiên, xã hội.

Hiện nay, trường trở thành trung tâm nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng ở khu vực châu Âu, thu hút học viên từ các quốc gia trong vùng và Hoa Kỳ; có hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nghiên cứu Phật học Tây Tạng với các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Đại học Oxford (Vương quốc Anh), California (Hoa Kỳ), Tokyo (Nhật Bản), Đại học Bắc Kinh và Fudan (Trung Quốc).

Quỹ Khyentse do tu sĩ người Tây Tạng Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche thành lập vào năm 2001 với mục tiêu thúc đẩy và lan tỏa lời dạy của Đức Phật, hỗ trợ hoạt động học tập và nghiên cứu Phật học thuộc tất cả các truyền thống. Hoạt động chính của quỹ bao gồm: biên dịch và bảo tồn kinh điển, văn bản quý; hỗ trợ tu sĩ Phật giáo tại các trường Phật học khu vực châu Á; các chương trình học bổng và giải thưởng khu vực, quốc tế liên quan đến Phật giáo; phát triển nghiên cứu Phật học tại các trường đại học, sáng kiến mô hình giáo dục Phật giáo cho trẻ em.

Đặc biệt, một trong những dự án quốc tế nổi bật được bảo trợ bởi quỹ này phải kể đến Dự án 84000 - “84000: Translating the Words of the Buddha” (84000: Biên dịch Những lời dạy của Đức Phật) được vận hành từ năm 2009, đóng góp quan trọng vào nỗ lực bảo tồn Phật giáo và nền văn hóa Tây Tạng.

Trần Trọng Hiếu

(theo The Buddhist Door)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phatgiaonuocngoai/2020/10/23/1354c1/