BHXH lý giải ra sao về đề xuất giảm mức hưởng BHXH 1 lần?

Theo đại diện ngành BHXH, đa số các quốc gia trên thế giới không cho phép người lao động rút BHXH một lần.

Hưởng BHXH một lần tăng đều

Theo thống kê của ngành BHXH, giai đoạn 2016-2020, cả nước có trên 3,7 triệu người hưởng BHXH một lần.

Số lao động rút BHXH một lần liên tiếp tăng cao trong những năm qua và không ngừng tăng lên. Đây là thực trạng đáng lo ngại bởi nó tác động trực tiếp tới quyền lợi lao động và ảnh hưởng an sinh xã hội.

Người lao động độ tuổi từ 20-40 chiếm 80,9% tổng số người hưởng BHXH một lần

Người lao động độ tuổi từ 20-40 chiếm 80,9% tổng số người hưởng BHXH một lần

Số người hưởng BHXH một lần chủ yếu là nữ, làm việc trong khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài; tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40 chiếm 80,9% tổng số người hưởng BHXH một lần.

Khoảng 20% đã có thời gian tham gia BHXH từ 6 năm trở lên. Tình trạng này được lý giải do người lao động khi mất việc do dịch Covid-19 đã gặp nhiều khó khăn về tài chính. Lý do rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt thay vì tiếp tục đóng để có thêm tích lũy hưởng lương hưu về già.

Theo một chuyên gia BHXH, “về mặt pháp luật, quy định đóng góp tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu cũng dẫn đến đa số người lao động (NLĐ) đóng góp từ 3 đến dưới 10 năm khó quyết định chờ đợi đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. NLĐ 45 hoặc 50 tuổi mới bắt đầu tham gia BHXH khó có cơ hội hưởng lương hưu…

Bởi vì, mục tiêu của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là duy trì việc làm cho NLĐ. Nếu thực hiện tốt chính sách BHTN cũng sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để NLĐ có thể yên tâm ổn định cuộc sống, thay vì tìm đến BHXH một lần như là một công cụ tài chính để vượt qua tình trạng khó khăn tài chính trước mắt..

BHXH nói gì về đề xuất giảm hưởng BHXH 1 lần của NLĐ?

Để giảm tình trạng người lao động lĩnh BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH đang có đề xuất hai phương án để giảm tình trạng đóng BHXH một lần.

Cụ thể, phương án thứ nhất, giữ nguyên quy định hiện hành. Và phương án thứ hai, NLĐ khi hết tuổi lao động nhưng đóng chưa đủ thời gian và không tiếp tục tham gia nếu có yêu cầu nhận BHXH một lần thì được tính trên cả phần đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động (giống quy định hiện nay).

Trường hợp khi chưa đến tuổi nghỉ hưu (còn trẻ) mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì NLĐ được nhận toàn bộ phần đóng góp của NLĐ. Phần đóng của người sử dụng lao động vào quỹ hưu trí và tử tuất được sử dụng chung đảm bảo sự bền vững và chia sẻ giữa người hưởng lương hưu.

Chia sẻ ý kiến về phương án giảm, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, hiện Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ giao chủ trì sửa Luật BHXH. Đó là một trong nhiều phương án do các chuyên gia trong tổ soạn thảo đề xuất.

Theo ông Sơn, đa số các quốc gia trên thế giới không cho phép NLĐ rút BHXH một lần, bởi mục đích của BHXH là nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài của NLĐ khi về già. Để được hưởng chế độ BHXH, NLĐ phải trích lương để đóng quỹ.

Còn phần doanh nghiệp đóng vào quỹ thực tế là được kết cấu vào giá thành sản phẩm dịch vụ, mà bản chất cuối cùng là xã hội thông qua chủ sử dụng lao động đóng góp quỹ BHXH.

Vậy nên, phương án đề xuất là nếu NLĐ xin hưởng BHXH một lần, thì chỉ được nhận lại phần NLĐ đóng, còn “phần xã hội đóng” thì quỹ BHXH giữ lại để dùng chung cho người hưởng chế độ tử tuất, lương hưu hàng tháng.

Ông Sơn cho biết thêm ngoài phương án trên, các thành viên tổ soạn thảo sẽ nghiên cứu và đề xuất một số phương án mới vì theo hướng ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bhxh-ly-giai-ra-sao-ve-de-xuat-giam-muc-huong-bhxh-1-lan-d570848.html