BHXH tự nguyện: Của để dành cho lao động tự do
Với phương châm 'BHXH tự nguyện là của để dành cho lao động tự do', 'Lương hưu là chỗ dựa khi về già', rất nhiều lao động tự do tích góp tham gia BHXH tự nguyện dù đời sống còn nhiều khó khăn.Đưa chính sách vào cuộc sống
Điểm tựa tuổi xế chiều
Về những xóm, thôn, chúng tôi thực sự cảm nhận BHXH tự nguyện rất được người dân quan tâm tham gia chứ không thờ ơ như nhiều người vẫn nghĩ.
Là hộ nghèo, không nguồn thu nhập ổn định, lo chỗ dựa tuổi xế chiều, hiểu được điều này chị Lương Thị An, thôn An Hà 3, ở xã Nghĩa Trung, (Tư Nghĩa) đã lựa chọn đăng ký tham gia BHXH tự nguyện để về già được hưởng lương hưu.
Dù cuộc sống còn khó khăn, chị An vẫn tham gia BHXH tự nguyện.
Đôi mắt chị bị mờ sương nên chỉ quanh quẩn trong nhà. Chồng chị vào tận TP. Hồ Chí Minh bán vé số, mỗi tháng gửi về cho vợ 5 triệu đồng. Ngôi nhà đã được địa phương xây tặng nhà đại đoàn kết.
Đã an cư, giờ lo đến chỗ dựa lúc tuổi xế chiều, chị đã trích 1 triệu đồng đóng bảo hiểm. “Đây là cách thiết thực nhất để hai vợ chồng giảm gánh nặng cho các con, không phụ thuộc kinh tế vào con cái, lại có thu nhập ổn định hàng tháng khi về già” - chị An tâm sự.
Chồng làm phụ hồ, vợ quanh quẩn mấy sào ruộng, nuôi 3 đứa con ăn học, nhưng vợ chồng chị Phạm Thị Hiếu, người cùng thôn với chị An cũng tích góp gần 1,4 triệu đồng đồng để mua BHXH tự nguyện.
Mỗi tháng sau khi trừ chi phí chi tiêu trong gia đình, vợ chồng chị chắt chiu, dành dụm được 2 triệu đồng. Số tiền tích góp không nhiều, nếu gởi tiết kiệm lãi chẳng bao nhiêu nên chị chọn cách đóng BHXH để sau khi về già, lúc không còn sức lao động nhờ cậy vào lương hưu.
Vợ chồng chị Lê Thị Công, ở thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) cũng tự nguyện tham gia BHXH. Nhà ở còn tạm bợ lại đang nuôi hai đứa con ăn học, thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chỉ gần 6 triệu đồng, nhưng chị vẫn dành dụm đóng bảo hiểm cho cả hai vợ chồng.
Chị Công dành dụm đóng BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng.
Chị Công bày tỏ: “Đóng BHXH tự nguyện cũng như mình bỏ ống heo, nhưng bỏ ống heo khó giữ được vì khi túng thiếu lại rút ra dùng. Mình đóng BHXH tự nguyện thì nhà nước giữ dùm nên tiền mình vẫn còn để dưỡng già”.
Trước đây nhiều người có thu nhập thấp, không ổn định, nhiều người chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già nên ngần ngại tham gia BHXH tự nguyện.
Thời gian gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp người dân hiểu được chính sách này thực sự thiết thực nên nhiều đã đăng ký tham gia. Đến thời điểm này trên địa bàn huyện Tư Nghĩa có gần 1.100 người tham gia BHXH tự nguyện.
Giám đốc BHXH huyện Tư Nghĩa, ông Nguyễn Đình Lâm cho biết, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyển truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, để họ tiếp cận và tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có cả số người vừa mất việc hoặc tinh giảm biên chế, kể cả những người nghỉ việc sau sáp nhập xã.
Đến thời điểm này, huyện Nghĩa Hành có 850 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 371 người so với năm 2019. Huyện Nghĩa Hành đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Tuyên truyền, tư vấn cho người dân thông qua hội nghị tư vấn trực tiếp, hệ thống truyền thanh cơ sở, phát triển điểm thu tại Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Bưu điện văn hóa xã, thị trấn và điểm thu tại trung tâm xã, thị trấn.
Theo Giám đốc BHXH huyện Nghĩa Hành, ông Nguyễn Thành Dương, là huyện thuần nông, lao động tự do có thu nhập ổn định thường đi làm ăn xa, BHXH huyện chú trọng phát triển BHXH tự nguyện đến đối tượng này. Cách vận động là vận động qua người thân của họ để người lao động tự do ở địa phương đi làm ăn xa vẫn được hưởng lợi từ chính sách BHXH tự nguyện.
BHXH tự nguyện giúp người dân có thể tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già, nhất là với những người lao động tự do, người dân ở khu vực nông thôn... Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.